Gãy xương sườn: Dấu hiệu và phương pháp điều trị

Nhiều trường hợp, sự va đập chỉ khiến cho xương sườn bị rạn hoặc nứt. Mặc dù cũng gây đau nhưng nứt xương sườn không nguy hiểm như khi xương sườn bị gãy rời thành nhiều mảnh. Cạnh sắc lởm chởm của các mảnh xương gãy có thể gây tổn thương các mạch máu lớn hoặc các cơ quan nội tạng như phổi.
Trong hầu hết các trường hợp, xương sườn bị gãy tự liền lại sau 1 hoặc 2 tháng. Bệnh nhân cần sử dụng các biện pháp giảm đau trong thời gian chờ xương liền để có thể hít thở sâu và tránh xảy ra các biến chứng về phổi như viêm phổi.
Dấu hiệu của gãy xương sườn
Đau đớn là dấu hiệu rõ nhất của gãy xương sườn. Cơn đau do gãy xương sườn thường xảy ra hoặc trở nên nặng hơn khi hít thở sâu, ấn lên khu vực bị gãy xương, cúi hoặc vặn người.
Khi nào cần đi khám?
Đến bệnh viện ngay khi bị đau dữ dội ở vùng xương sườn sau chấn thương hoặc nếu bị khó thở hoặc đau khi hít thở sâu.
Gọi cấp cứu nếu bị tức ngực, cảm giác như ngực bị siết chặt hoặc cơn đau lan từ ngực đến vai hoặc cánh tay. Đây có thể là những dấu hiệu của nhồi máu cơ tim.
Nguyên nhân gây gãy xương sườn
Nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy xương sườn là do va đập trực tiếp, chẳng hạn như tai nạn giao thông, ngã, bị đánh đập hoặc chơi thể thao. Xương sườn cũng có thể bị gãy do chấn thương lặp đi lặp lại trong các môn thể thao như golf, chèo thuyền hoặc do ho nặng và kéo dài.
Các yếu tố nguy cơ gây gãy xương sườn
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ gãy xương sườn:
- Loãng xương: Loãng xương là tình trạng mật độ xương suy giảm, khiến xương giòn, yếu và dễ gãy.
- Chơi thể thao: Các môn thể thao dễ xảy ra va đập, chẳng hạn như khúc côn cầu hoặc bóng đá, tiềm ẩn nguy cơ chấn thương ngực và gãy xương ngực.
- Ung thư ở xương sườn: Khối u ác tính có thể làm suy yếu xương và khiến xương dễ bị gãy.
Biến chứng của gãy xương sườn
Gãy xương sườn có thể gây tổn thương các mạch máu và cơ quan nội tạng lân cận. Càng nhiều xương bị gãy thì nguy cơ càng cao.
Biến chứng của gãy xương sườn còn tùy thuộc vào vị trí xương bị gãy. Một số biến chứng thường gặp gồm có:
- Rách hoặc thủng động mạch chủ: Gãy một trong ba xương trên cùng của khung xương sườn có thể làm đứt động mạch chủ hoặc một mạch máu lớn khác.
- Thủng phổi: Khi xương ở giữa khung xương sườn bị gãy, cạnh lởm chởm của đầu xương gãy có thể đâm thủng phổi và gây xẹp phổi.
- Rách lá lách, gan hoặc thận: Hai xương sườn dưới cùng hiếm khi bị gãy vì các xương này không bám vào xương ức và linh hoạt hơn so với các xương sườn bên trên. Tuy nhiên, khi các xương này bị gãy, đầu xương gãy có thể gây tổn thương nghiêm trọng đến lá lách, gan hoặc thận.
Phòng ngừa gãy xương sườn
Các biện pháp dưới đây có thể giúp giảm nguy cơ gãy xương sườn:
- Tránh xảy ra chấn thương khi chơi thể thao: Sử dụng thiết bị bảo hộ khi chơi các môn thể thao dễ xảy ra va đập.
- Giảm nguy cơ té ngã trong nhà: Không để đồ đạc bừa bãi trên sàn nhà, lau khô sàn ướt, sử dụng thảm cao su trong phòng tắm, lắp đèn chiếu sáng đầy đủ để tránh bị vấp ngã khi đi lại trong nhà.
- Tăng cường độ chắc khỏe của xương: Bổ sung đủ canxi và vitamin D từ chế độ ăn uống để duy trì xương chắc khỏe. Người trưởng thành cần bổ sung đủ 1.200 miligam canxi và 600 IU vitamin D mỗi ngày. Ngoài thực phẩm, cơ thể còn tự tổng hợp vitamin D khi tiếp xúc với ánh nắng. Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ canxi và vitamin D thì có thể dùng thực phẩm chức năng.
Phương pháp chẩn đoán gãy xương sườn
Trong quá trình thăm khám, bác sĩ ấn nhẹ lên xương sườn để kiểm tra điểm đau, sau đó nghe phổi và quan sát sự chuyển động của khung xương sườn khi bệnh nhân hít thở.
Tiếp theo cần thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh dưới đây để xác nhận gãy xương sườn:
- Chụp X-quang: Sử dụng bức xạ liều thấp để tạo ra hình ảnh của cấu trúc xương bên trong cơ thể. Tuy nhiên, chụp X-quang thường khó phát hiện những trường hợp gãy xương mới xảy ra, đặc biệt là khi xương chỉ bị nứt. Chụp X-quang còn giúp phát hiện xẹp phổi.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Phương pháp này giúp phát hiện những đường gãy xương không hiển thị trên ảnh chụp X-quang. Ảnh chụp CT còn cho thấy các tổn thương ở mô mềm và mạch máu. Chụp CT sử dụng tia X tạo ra hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau và kết hợp các hình ảnh đó lại để cho thấy mặt cắt ngang của các cấu trúc bên trong cơ thể.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng từ trường mạnh từ nam châm và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang. Phương pháp này được thực hiện để đánh giá mô mềm và các cơ quan xung quanh xương sườn xem có bị tổn thương hay không. MRI còn giúp phát hiện các vết nứt gãy nhỏ ở xương sườn.
- Xạ hình xương: Phương pháp này giúp phát hiện gãy xương do áp lực – tình trạng xương bị nứt do phải chịu áp lực lặp đi lặp lại, chẳng hạn như do ho mạn tính. Trong quá trình xạ hình xương, một lượng nhỏ chất phóng xạ được tiêm vào máu của bệnh nhân. Chất phóng xạ tập trung trong xương, đặc biệt là ở những vị trí xương đang liền và hiển thị trên máy quét.
Điều trị gãy xương sườn
Trong hầu hết các trường hợp, xương sườn tự liền lại trong vòng 6 tuần sau khi gãy. Hạn chế cử động và thường xuyên chườm lạnh để thúc đẩy quá trình liền xương và giảm đau.
Dùng thuốc
Giảm đau là điều rất quan trọng trong thời gian hồi phục sau gãy xương sườn. Đau nhói khi hít thở sâu có thể là dấu hiệu của viêm phổi. Nếu các loại thuốc giảm đau đường uống không hiệu quả, bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê tác dụng kéo dài xung quanh các dây thần kinh liên sườn.
Trị liệu
Khi cơn đau đã được kiểm soát, bệnh nhân nên bắt đầu thực hiện các bài tập hít thở theo hướng dẫn của bác sĩ để cải thiện khả năng hít thở sâu vì thở nông có thể làm tăng nguy cơ viêm phổi.
Trước đây, các bác sĩ thường quấn băng đàn hồi quanh ngực bệnh nhân để giữ cố định xương gãy nhưng hiện nay phương pháp này không còn được sử dụng trong điều trị gãy xương sườn nữa vì việc quấn băng quanh ngực khiến cho bệnh nhân không thể hít thở sâu và làm tăng nguy cơ viêm phổi.

Loãng xương là tình trạng mật độ xương suy giảm do tốc độ phân hủy xương nhanh hơn tốc độ tái tạo xương mới. Phương pháp điều trị thường là dùng thuốc kết hợp thay đổi lối sống. Mục đích chính của việc điều trị là ngăn ngừa mất xương thêm và giảm nguy cơ gãy xương.
Ung thư xương hay u xương ác tính có thể bắt đầu phát sinh ở bất kỳ xương nào trong cơ thể, nhưng thường là ở xương chậu hoặc các xương dài ở tay và chân. Ung thư xương là loại ung thư hiếm gặp, chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số ca ung thư. Trên thực tế, u xương lành tính phổ biến hơn nhiều so với u xương ác tính.

Bên cạnh thuốc đường uống, một giải pháp khác để điều trị loãng xương là truyền thuốc qua đường tĩnh mạch. Thuốc thường được truyền mỗi 3 hoặc 12 tháng một lần. Tác dụng phụ thường nhẹ và đa phần chỉ xảy ra sau lần truyền thuốc đầu tiên.

Những người có nguy cơ mắc bệnh loãng xương được khuyến nghị đo mật độ xương 2 năm một lần. Phương pháp đo mật độ xương phổ biến nhất là DEXA nhưng ngoài ra còn một lựa chọn khác là QCT.

Loãng xương là tình trạng xảy ra khi mật độ xương bị giảm đáng kể. Điều này khiến xương trở nên yếu hơn và dễ gãy. Tình trạng này thường xảy ra ở người lớn tuổi và có thể làm giảm chiều cao theo thời gian.