Còn ống động mạch: Triệu chứng, biến chứng và cách điều trị

Ống động mạch nhỏ thường không gây ra vấn đề gì và có thể không cần điều trị. Tuy nhiên, ống động mạch lớn không được điều trị sẽ khiến cho máu nghèo oxy chảy sai hướng, gây suy yếu cơ tim, dẫn đến suy tim và các biến chứng khác.
Các lựa chọn điều trị còn ống động mạch gồm có theo dõi, dùng thuốc, đóng bằng thủ thuật thông tim hoặc phẫu thuật.
Dấu hiệu, triệu chứng của còn ống động mạch
Còn ống động mạch có nhiều dấu hiệu, triệu chứng, tùy theo kích thước của ống động mạch và trẻ sinh đủ tháng hay sinh non. Còn ống động mạch nhỏ thường không có triệu chứng và do đó không được phát hiện trong suốt một thời gian dài và thậm chí là cho đến khi trưởng thành. Còn ống động mạch lớn có thể gây ra các triệu chứng suy tim ngay sau khi sinh.
Các dị tật tim thường được phát hiện khi bác sĩ nghe thấy tiếng thổi ở tim qua ống nghe. Tiếng thổi ở tim là âm thanh do máu chảy bất thường qua tim tạo ra.
Còn ống động mạch lớn thường gây ra các triệu chứng như:
- Bú kém, dẫn đến tăng trưởng kém
- Ra mồ hôi khi khóc hoặc khi cho ăn
- Thở nhanh hoặc khó thở
- Mệt mỏi, lờ đờ
- Nhịp tim nhanh
Cần đưa trẻ đi khám ngay khi nhận thấy trẻ có những dấu hiệu sau đây:
- Nhanh bị mệt khi ăn uống, vui đùa
- Chậm tăng cân
- Khó thở khi ăn hoặc khi khóc
- Luôn thở nhanh hoặc bị hụt hơi
Nguyên nhân gây còn ống động mạch
Dị tật tim bẩm sinh phát sinh từ các vấn đề ở giai đoạn đầu của quá trình hình thành tim nhưng thường không xác định được nguyên nhân rõ ràng. Yếu tố di truyền có thể góp phần gây dị tật tim bẩm sinh.
Khi còn trong bụng mẹ, động mạch chủ và động mạch phổi của thai nhi được nối với nhau bởi ống động mạch. Đây là cấu trúc cần thiết cho sự lưu thông máu của thai nhi. Ống động mạch dẫn máu từ động mạch phổi đến động mạch chủ và bỏ qua phổi do phổi của thai nhi còn chưa hoàn thiện. Thai nhi nhận oxy và chất dinh dưỡng từ mẹ. Khi mẹ hít thở, oxy trong không khí sẽ đi qua hệ tuần hoàn của mẹ và vào cơ thể thai nhi qua nhau thai và dây rốn.
Sau khi sinh, ống động mạch thường đóng lại trong vòng 2 - 3 ngày. Ở trẻ sinh non, ống động mạch thường lâu đóng lại hơn và nếu ống động mạch vẫn mở thì được gọi là còn ống động mạch.
Sự tồn tại ống động mạch sau sinh làm tăng lượng máu đến phổi và tim của trẻ. Nếu không được điều trị, huyết áp trong phổi sẽ tăng cao (tăng áp động mạch phổi), đồng thời tim bị to lên và suy yếu.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ còn ống động mạch gồm có:
- Sinh non: Còn ống động mạch thường xảy ra ở trẻ sinh non và hiếm khi xảy ra ở trẻ sinh đủ tháng.
- Tiền sử gia đình bị dị tật tim và các bệnh di truyền khác, chẳng hạn như hội chứng Down. Những bệnh này đều làm tăng nguy cơ còn ống động mạch.
- Mẹ bị bệnh rubella khi mang thai: Nếu người mẹ mắc bệnh rubella (sởi Đức) trong khi mang thai thì thai nhi sẽ có nguy cơ bị dị tật tim cao hơn. Virus rubella đi qua nhau thai và vào hệ tuần hoàn của thai nhi, gây tổn hại đến mạch máu và các cơ quan, bao gồm cả tim.
- Sinh nở ở nơi có độ cao lớn: Những trẻ được sinh ra ở nơi có độ cao trên 2.500m có nguy cơ còn ống động mạch cao hơn so với những trẻ được sinh ở nơi có độ cao thấp.
- Là nữ: Các bé gái có nguy cơ còn ống động mạch cao hơn gấp đôi so với bé trai.
Biến chứng của còn ống động mạch
Còn ống động mạch nhỏ thường không gây biến chứng nhưng ống động mạch lớn tồn tại sau sinh có thể gây ra:
- Tăng áp động mạch phổi: Lượng máu quá lớn chảy qua ống động mạch vào động mạch phổi có thể dẫn đến tăng áp động mạch phổi – tình trạng áp lực máu tăng cao trong động mạch phổi và có thể gây tổn thương phổi vĩnh viễn. Còn ống động mạch lớn có thể dẫn đến hội chứng Eisenmenger - một loại tăng áp động mạch phổi không thể hồi phục.
- Suy tim: Còn ống động mạch có thể khiến cơ tim dần bị phì đại và trở nên suy yếu, dẫn đến suy tim - tình trạng tim không thể bơm máu hiệu quả đến cơ thể.
- Nhiễm trùng tim (viêm nội tâm mạc): Những người có vấn đề về cấu tạo của tim, chẳng hạn như còn ống động mạch, có nguy cơ viêm nội tâm mạc cao hơn so với những người có tim khỏe mạnh.
Còn ống động mạch có ảnh hưởng khả năng sinh sản không?
Hầu hết phụ nữ còn ống động mạch nhỏ vẫn có thể mang thai bình thường. Tuy nhiên, còn ống động mạch lớn hoặc các biến chứng của còn ống động mạch như suy tim, rối loạn nhịp tim hoặc tăng áp động mạch phổi sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng trong thai kỳ. Những phụ nữ mắc hội chứng Eisenmenger không nên mang thai vì việc mang thai có thể đe dọa đến tính mạng của cả mẹ và con.
Những người bị dị tật tim, dù có điều trị hay không đều phải trao đổi với bác sĩ khi có ý định sinh con. Tốt nhất nên đến gặp cả bác sĩ chuyên khoa tim mạch có kinh nghiệm về bệnh tim bẩm sinh, chuyên gia di truyền và bác sĩ sản khoa có kinh nghiệm về thai kỳ nguy cơ cao. Một số loại thuốc điều trị bệnh tim có thể gây ra các vấn đề nghiêm trọng cho thai nhi và người mẹ sẽ phải ngừng điều trị hoặc đổi thuốc trước khi mang thai.
Phòng ngừa còn ống động mạch
Không có cách nào có thể phòng ngừa còn ống động mạch. Tuy nhiên, dưới đây là những bước mà mẹ bầu nên thực hiện để có thai kỳ khỏe mạnh, đảm bảo sự phát triển bình thường của thai nhi và giảm nguy cơ dị tật bẩm sinh
- Đi khám từ trước khi mang thai để kiểm tra tình trạng sức khỏe và nghe hướng dẫn những điều nên làm trước và trong thời gian mang thai.
- Ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng và uống bổ sung axit folic
- Tập thể dục đều đặn: Hỏi bác sĩ về những bài tập an toàn có thể thực hiện trong thai kỳ. Nói chung, phụ nữ mang thai có thể tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hay tập yoga.
- Tránh các chất độc hại như đồ uống có cồn, thuốc lá và ma túy
- Tránh tiếp xúc với hóa chất như sơn, chất tẩy rửa mạnh….
- Không nên ngâm trong bồn nước nóng và xông hơi.
- Phòng ngừa nhiễm trùng: Nên tiêm đầy đủ các loại vắc xin cần thiết trước khi mang thai. Một số bệnh nhiễm trùng có thể gây hại cho thai nhi.
- Kiểm soát bệnh tiểu đường: Những phụ nữ bị bệnh tiểu đường cần kiểm soát tốt tình trạng bệnh cả trước và trong thời gian mang thai.
Những người có tiền sử gia đình bị dị tật tim hoặc các bệnh di truyền khác nên nói chuyện với chuyên gia di truyền trước khi mang thai.
Phương pháp chẩn đoán còn ống động mạch
Một trong những dấu hiệu chỉ ra còn ống động mạch và các dạng dị tật tim khác là nhịp tim bất thường. Ngoài ra, còn ống động mạch còn có thể gây ra tiếng thổi ở tim. Nếu nghe thấy tiếng thổi ở tim khi nghe tim, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các phương pháp dưới đây để xác nhận dị tật tim:
- Siêu âm tim: Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của tim. Hình ảnh siêu âm tim giúp bác sĩ xác nhận còn ống động mạch, kiểm tra xem các buồng tim có bị giãn hay không và đánh giá khả năng bơm máu của tim. Siêu âm tim còn giúp bác sĩ đánh giá các van tim và phát hiện các dị tật tim tiềm ẩn khác.
- Chụp X-quang lồng ngực: Hình ảnh X-quang giúp đánh giá tình trạng của tim và phổi, ngoài ra còn cho thấy các vấn đề khác ngoài dị tật tim.
- Điện tâm đồ: Ghi lại hoạt động điện của tim, giúp bác sĩ chẩn đoán dị tật tim hoặc các vấn đề về nhịp tim.
- Thông tim: Thường không cần phải thực hiện thủ thuật này để chẩn đoán còn ống động mạch nhưng bác sĩ có thể chỉ định thông tim để kiểm tra các dị tật tim bẩm sinh khác được phát hiện trong quá trình siêu âm tim. Thủ thuật thông tin còn được sử dụng để điều trị còn ống động mạch. Trong quá trình thông tim, một ống thông hẹp và mềm được đưa vào mạch máu ở bẹn hoặc cánh tay và dẫn đến tim. Qua ống thông, bác sĩ sẽ tiến hành đóng ống động mạch.
Điều trị còn ống động mạch
Việc điều trị còn ống động mạch phụ thuộc vào độ tuổi của bệnh nhân. Các lựa chọn điều trị gồm có:
- Theo dõi: Ở những trẻ sinh non, ống động mạch tồn tại sau sinh thường tự đóng lại sau một thời gian. Bác sĩ sẽ theo dõi tim của trẻ để xem ống động mạch có đóng lại một cách bình thường hay không. Ở trẻ sơ sinh đủ tháng, trẻ nhỏ và người lớn còn ống động mạch nhỏ, dạng dị tật tim này thường không gây thêm bất cứ vấn đề sức khỏe nào khác và không cần phải điều trị mà chỉ cần tái khám để theo dõi.
- Điều trị bằng thuốc: Đối với những trẻ sinh non, bác sĩ thường kê thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như ibuprofen hoặc indomethacin để đóng ống động mạch. Các loại thuốc này có tác dụng ngăn cản hoạt động của các chất hóa học giữ ống động mạch mở trong cơ thể. NSAID sẽ không có tác dụng đóng ống động mạch ở trẻ sơ sinh đủ tháng, trẻ nhỏ và người lớn.
- Phẫu thuật đóng ống động mạch: Nếu đã dùng thuốc nhưng không hiệu quả và tình trạng còn ống động mạch nghiêm trọng hoặc gây ra biến chứng thì sẽ phải tiến hành phẫu thuật. Trong ca phẫu thuật, bác sĩ rạch một đường nhỏ ở vùng sườn của trẻ để tiếp cận đến tim và đóng ống động mạch bằng chỉ hoặc kẹp.
Sau ca phẫu thuật, trẻ sẽ phải ở lại bệnh viện vài ngày để theo dõi. Thường sẽ mất vài tuần để trẻ hồi phục hoàn toàn sau ca phẫu thuật tim. Đôi khi, phẫu thuật đóng ống động mạch cũng được chỉ định cho cả người lớn nếu như còn ống động mạch gây ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe. Một số rủi ro của ca phẫu thuật đóng ống động mạch là khàn tiếng, chảy máu, nhiễm trùng và tê liệt cơ hoành.
- Thủ thuật thông tim: Thủ thuật này không được thực hiện ở trẻ sinh non do trẻ có sức khỏe yếu. Tuy nhiên, nếu còn ống động mạch không gây ra các vấn đề sức khỏe thì có thể đợi cho đến khi trẻ lớn hơn và đủ sức khỏe mới tiến hành thông tim để điều trị còn ống động mạch. Đối với những trẻ sơ sinh đủ tháng, thủ thuật thông tim có thể được thực hiện ngay sau khi sinh. Đây cũng là một lựa chọn điều trị cho trẻ nhỏ và người lớn còn ống động mạch.
Trong quá trình thông tim, một ống thông hẹp và dài được đưa vào mạch máu ở bẹn và luồn đến tim. Vật liệu nút mạch hoặc vòng xoắn kim loại được đưa qua ống thông đến ống động mạch để đóng ống động mạch.
Một số vấn đề không mong muốn có thể phát sinh sau thủ thuật thông tim là chảy máu, nhiễm trùng và vật liệu nút mạch hoặc vòng xoắn dịch chuyển lệch vị trí.
Kháng sinh dự phòng
Trước đây, những người còn ống động mạch được khuyên uống thuốc kháng sinh trước các thủ thuật nha khoa và một số thủ thuật y tế khác để ngăn ngừa viêm nội tâm mạc. Hiện nay điều này không còn được khuyến nghị nữa. Tuy nhiên, bệnh nhân vẫn nên dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa trong 6 tháng đầu tiên sau thủ thuật thông tim nếu vẫn còn vấn đề chưa được điều trị hoặc từng bị nhiễm trùng tim trước đây. Hỏi ý kiến bác sĩ về việc dùng thuốc kháng sinh để phòng ngừa nhiễm trùng trước các thủ thuật y tế.
Tái khám
Những người bị còn ống động mạch có nguy cơ gặp phải biến chứng khi trưởng thành, kể cả là đã điều trị khi còn nhỏ. Vì vậy, người bị ống động mạch cần tái khám định kỳ suốt đời để theo dõi tình trạng tim mạch, đặc biệt là những người đã phẫu thuật tim.
Thực hiện theo các khuyến nghị của bác sĩ để phòng ngừa các vấn đề về tim mạch.
Điều chỉnh thói quen sống
Những người bị dị tật tim bẩm sinh, cho dù đã phẫu thuật điều trị hay chưa đều cần phải lưu ý một số điều dưới đây để bảo vệ sức khỏe tim mạch:
- Ngăn ngừa nhiễm trùng: Đánh răng, dùng chỉ nha khoa hàng ngày và khám răng định kỳ là những điều cần thiết để phòng ngừa nhiễm trùng tim. Ở những người bị dị tật tim bẩm sinh, sức khỏe răng miệng kém có thể làm tăng nguy cơ viêm nội tâm mạc.
- Tập thể dục và vui chơi: Cha mẹ có con bị dị tật tim bẩm sinh thường lo lắng về những rủi ro khi trẻ vận động mạnh, ngay cả khi đã điều trị thành công. Mặc dù đúng là một số bệnh nhân cần hạn chế hoạt động thể chất nhưng hầu hết những người bị còn ống động mạch đều có thể sinh hoạt bình thường. Nếu vẫn lo lắng thì có thể nói chuyện với bác sĩ về mức độ hoạt động an toàn.

Hẹp van động mạch chủ xảy ra khi van động mạch chủ bị thu hẹp và không mở ra như bình thường. Tình trạng này có thể gây đau ngực và khó thở, đặc biệt là sau khi gắng sức.

Hẹp van động mạch phổi xảy ra khi van động mạch phổi không mở đúng cách hoặc không mở đủ rộng. Đây là một vấn đề rất hiếm gặp, thường xuất hiện ngay từ khi sinh ra. Tình trạng đôi khi có thể cần sử dụng thuốc hoặc phẫu thuật để điều trị.

Triệu chứng đặc trưng của bệnh động mạch ngoại biên là đau khi đi lại. Khi tiến triển sang các giai đoạn sau, bệnh động mạch ngoại biên sẽ gây đau cả khi không hoạt động và các triệu chứng khác.

Tai biến mạch máu não (cerebrovascular accident) là thuật ngữ y khoa của đột quỵ. Đột quỵ xảy ra khi sự lưu thông máu đến một phần não bị gián đoạn do mạch máu bị tắc nghẽn hoặc bị vỡ.

Viêm động mạch là tình trạng thành động mạch bị viêm và giảm khả năng vận chuyển máu đến các cơ quan. Có nhiều loại viêm động mạch. Các triệu chứng và biến chứng của viêm động mạch phụ thuộc vào động mạch nào bị viêm và mức độ tổn thương.