Cholesterol có thể giảm xuống mức quá thấp không?

Thông thường, cholesterol chỉ được nhắc đến nhiều khi ở mức cao vì tình trạng này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Cholesterol là một chất béo có thể làm tắc nghẽn động mạch, cản trở lưu thông máu và gây ra nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Tuy nhiên, cholesterol cũng có thể giảm xuống mức quá thấp dù hiếm khi xảy ra hơn so với cholesterol cao. Cholesterol thấp bất thường cũng có thể gây ảnh hưởng tới sức khỏe, đặc biệt là sức khỏe tinh thần và một số bệnh lý khác.
Cholesterol là gì?
Mặc dù thường bị xem là có hại nhưng cholesterol là một thành phần cần thiết cho cơ thể. Cơ thể cần cholesterol để sản xuất một số loại hormone, tạo vitamin D giúp hấp thu canxi và tham gia vào quá trình hình thành các chất cần thiết để tiêu hoá thức ăn.
Cholesterol di chuyển trong máu dưới dạng các lipoprotein. Đây là các phân tử chất béo được bao bọc bởi protein. Có hai loại lipoprotein chính là lipoprotein tỷ trọng thấp (LDL) và lipoprotein tỷ trọng cao (HDL).
LDL đôi khi được gọi là cholesterol xấu vì là loại cholesterol dễ gây tắc nghẽn động mạch. Trong khi đó, HDL hay cholesterol tốt giúp vận chuyển LDL về gan để đào thải ra khỏi cơ thể.
Gan là nơi sản xuất phần lớn lượng cholesterol trong cơ thể. Một phần còn lại đến từ thực phẩm có nguồn gốc động vật như trứng, thịt, gia cầm. Thực vật không chứa cholesterol.
Cholesterol thấp có nguy hiểm không?
Nếu cholesterol được kiểm soát ở mức thấp nhờ thuốc (statin), chế độ ăn uống lành mạnh hoặc thường xuyên tập luyện thì thường không đáng lo ngại. Trên thực tế, cholesterol thấp thường sẽ tốt hơn cholesterol cao. Tuy nhiên, nếu cholesterol giảm xuống thấp mà không rõ nguyên nhân, bạn nên đến bác sĩ để kiểm tra.
Mặc dù tác động của cholesterol thấp đến sức khoẻ vẫn đang được nghiên cứu thêm nhưng một số nghiên cứu đã cho thấy cholesterol thấp có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần.
Nghiên cứu năm 1999 phát hiện ra rằng cholesterol thấp sẽ làm tăng nguy cơ bị trầm cảm và lo âu. Giả thuyết được đưa ra là do cholesterol tham gia vào quá trình sản xuất hormone và vitamin D — những yếu tố quan trọng cho sự phát triển và hoạt động của tế bào não.
Ngoài ra, một số nghiên cứu cũng đang xem xét mối liên quan giữa cholesterol thấp và nguy cơ ung thư, tuy nhiên vẫn cần thêm bằng chứng để khẳng định chắc chắn.
Đối với phụ nữ mang thai, cholesterol quá thấp có thể làm tăng nguy cơ sinh non hoặc sinh con nhẹ cân. Những người có cholesterol thấp nên trao đổi với bác sĩ khi có ý định mang thai.
Triệu chứng của cholesterol thấp
Cholesterol cao thường chỉ biểu hiện triệu chứng khi đã có biến chứng tim mạch như đau tim hoặc đột quỵ. Nếu động mạch vành bị tắc nghẽn nghiêm trọng, bạn có thể bị đau ngực do lưu lượng máu đến tim bị giảm đi đáng kể.
Đối với tình trạng cholesterol thấp, không có triệu chứng đau ngực cảnh báo tình trạng tích tụ chất béo gây tắc nghẽn động mạch.
Dấu hiệu thường gặp nhất của cholesterol thấp là các rối loạn tâm lý, đặc biệt là trầm cảm và lo âu, với các biểu hiện như:
- Cảm thấy bi quan, tuyệt vọng
- Lo lắng, bồn chồn
- Khó tập trung, hay nhầm lẫn
- Dễ kích động
- Khó đưa ra quyết định
- Thay đổi tâm trạng, giấc ngủ hoặc thói quen ăn uống
Nếu bạn có các triệu chứng trên, hãy đi khám và đề nghị xét nghiệm máu nếu bác sĩ chưa chỉ định.
Yếu tố nguy cơ gây cholesterol thấp
Nguy cơ bị cholesterol thấp có thể gặp ở những người có tiền sử gia đình mắc tình trạng này, người đang dùng statin hoặc thuốc điều trị huyết áp và người bị trầm cảm chưa được điều trị.
Cách chẩn đoán cholesterol thấp
Cách duy nhất để biết chính xác mức cholesterol trong cơ thể là làm xét nghiệm máu. Nếu cholesterol LDL dưới 50 mg/dL hoặc tổng cholesterol dưới 120 mg/dL, bạn đang bị cholesterol thấp.
Tổng cholesterol được tính bằng cách cộng LDL, HDL và 20% chỉ số triglyceride (một loại chất béo khác trong máu). Mức LDL lý tưởng nằm trong khoảng 70 – 100 mg/dL.
Việc theo dõi cholesterol định kỳ là rất quan trọng. Nếu chưa kiểm tra cholesterol trong vòng 2 năm qua, bạn hãy sắp xếp đi kiểm tra ngay.
Điều trị cholesterol thấp
Cholesterol thấp thường liên quan đến chế độ ăn uống hoặc tình trạng sức khỏe. Tuy nhiên, việc bổ sung nhiều thực phẩm giàu cholesterol không phải là cách khắc phục hiệu quả. Bác sĩ sẽ cần lấy máu xét nghiệm, đánh giá tình trạng sức khỏe tâm thần, sau đó mới có thể đưa ra các khuyến nghị phù hợp về chế độ ăn uống và lối sống.
Nếu cholesterol thấp ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần hoặc ngược lại, bác sĩ có thể kê thêm thuốc chống trầm cảm.
Ngoài ra, một số trường hợp cholesterol giảm quá thấp do dùng statin. Khi đó, bác sĩ có thể cân nhắc điều chỉnh liều lượng hoặc đổi thuốc.
Phòng ngừa cholesterol thấp
Vì cholesterol thấp không phải là vấn đề phổ biến nên rất ít người chủ động phòng tránh tình trạng này. Để duy trì mức cholesterol ổn định, bạn cần thực hiện những khuyến nghị sau:
- Khám sức khỏe định kỳ.
- Ăn uống lành mạnh và duy trì vận động đều đặn để hạn chế phải dùng thuốc điều trị cholesterol hay huyết áp.
- Lưu ý nếu tiền sử gia đình có người mắc bệnh liên quan đến cholesterol.
- Chú ý các dấu hiệu lo âu, stress hoặc hành vi dễ kích động.
Tiên lượng và biến chứng
Cholesterol thấp có thể dẫn đến nhiều biến chứng sức khỏe nghiêm trọng:
- Nguy cơ chảy máu não nguyên phát (thường gặp ở người lớn tuổi).
- Tăng nguy cơ sinh non hoặc con sinh ra nhẹ cân ở phụ nữ mang thai.
Đặc biệt, cholesterol thấp cũng được xem là yếu tố nguy cơ làm tăng nguy cơ tự tử hoặc thực hiện các hành vi bạo lực.
Nếu bác sĩ phát hiện cholesterol của bạn quá thấp, hãy trao đổi kỹ về mức độ nguy hiểm và hướng xử lý phù hợp. Ngoài ra, nếu bạn đang có các triệu chứng trầm cảm, lo âu hoặc tâm lý bất ổn, cholesterol thấp có thể là một yếu tố góp phần gây ra tình trạng này.
Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Có lẽ bạn đã được bác sĩ thông báo cần kiểm soát mức cholesterol. Nhưng liệu bạn có nhầm lẫn về những thức ăn tốt nên ăn và những món không nên ăn? Bạn có tự hỏi xem liệu mình đã vận động đủ chưa và liệu đã ở mức cân nặng phù hợp hay chưa.

Mức triglyceride thấp thường không phải là vấn đề đáng lo ngại và đơn giản chỉ là do tiêu thụ ít chất béo. Tuy nhiên, trong một số trường hợp khác, đây có thể là dấu hiệu của một tình trạng tiềm ẩn liên quan đến tuyến giáp hoặc hệ tiêu hóa.

Cholesterol di chuyển trong máu dưới hai dạng: LDL (lipoprotein tỷ trọng thấp) – hay còn gọi là cholesterol xấu và HDL (lipoprotein tỷ trọng cao) – còn gọi là cholesterol tốt. Khi LDL dư thừa, chúng có thể tạo thành mảng bám trên thành mạch máu, làm hẹp lòng mạch, cản trở máu đến các cơ quan quan trọng như tim.

Để giảm cholesterol, bạn có thể hình thành thói quen ăn uống lành mạnh hơn bằng cách bổ sung các loại thực phẩm vừa giúp làm giảm cholesterol, vừa mang lại hương vị hấp dẫn cho món ăn.