Các phương pháp điều trị hở van tim

Hở van tim, còn gọi là trào ngược van tim, xảy ra khi một trong các van tim không thể đóng kín, làm máu chảy ngược lại qua van. Một tình trạng khác cũng gây ra vấn đề ở van tim là hẹp van tim (valve stenosis), khi van tim không mở hoàn toàn, làm hạn chế dòng máu lưu thông qua tim.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), khoảng 2,5% dân số Hoa Kỳ mắc một loại bệnh van tim nào đó. Phần lớn các trường hợp hở van tim, hẹp van tim hoặc các tình trạng khác xảy ra ở người lớn tuổi.
Hở van tim có thể ở mức độ nhẹ và không cần điều trị. Tuy nhiên, bạn nên theo dõi thường xuyên để phát hiện sớm các biến chứng nếu tình trạng trở nên nghiêm trọng hơn.
Trong các trường hợp nặng hơn, có thể cần phải sửa chữa hoặc thay thế van tim. Vì tình trạng hở van tim thường có thể điều trị được nên tiên lượng lâu dài thường khá khả quan.
Mức độ nghiêm trọng của hở van tim
Hở van tim có thể trở nặng và cần được điều trị để ngăn ngừa các biến chứng đe dọa đến tính mạng. Tuy nhiên, nếu hở van ở mức độ nhẹ và bạn không có triệu chứng hay vấn đề về tuần hoàn thì bạn vẫn có thể sống bình thường mà không cần điều trị can thiệp.
Nếu bạn bị hở van mức độ nhẹ, cần kiểm tra sức khỏe định kỳ và thông báo ngay cho bác sĩ nếu gặp các triệu chứng mới.
Một số triệu chứng nghiêm trọng do hở van tim gây ra là:
- Đau ngực
- Mệt mỏi
- Đánh trống ngực
- Chóng mặt
- Khó thở, đặc biệt khi gắng sức
- Sưng ở cổ, chân hoặc phình bụng
Theo Viện Tim, Phổi và Máu Quốc gia (NHLBI), nếu tình trạng hở van trở nên nghiêm trọng và không được điều trị, tim sẽ phải làm việc nhiều hơn, dẫn đến nguy cơ:
- Suy tim
- Rung nhĩ (atrial fibrillation)
- Tăng áp phổi (pulmonary hypertension)
Các phương pháp điều trị hở van tim
Hai phương pháp chính để điều trị tình trạng hở van tim là sửa chữa và thay thế van. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể dùng thuốc để điều trị.
Thuốc
Nếu bác sĩ xác định rằng van tim bị hở không cần phải sửa chữa hay thay thế thì bạn có thể được kê các loại thuốc như:
- Thuốc hạ huyết áp: Điều trị huyết áp cao.
- Thuốc chống đông máu: Các loại thuốc chống đông máu như anticoagulants hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu (antiplatelets) giúp giảm nguy cơ hình thành cục máu đông.
- Thuốc lợi tiểu: Giúp giảm lượng dịch và natri trong cơ thể.
- Kháng sinh: Có thể dùng trong một số trường hợp, chẳng hạn như trước khi thực hiện các thủ thuật nha khoa, để ngăn ngừa nhiễm trùng van tim hoặc viêm nội tâm mạc.
Bác sĩ cũng sẽ khuyến nghị bạn nên duy trì một lối sống tốt cho tim mạch, bao gồm:
- Chế độ ăn uống cân bằng, ít natri
- Kiểm soát huyết áp, đường huyết và cholesterol
- Duy trì cân nặng hợp lý
- Tập thể dục thường xuyên
- Quản lý căng thẳng
Sửa chữa hoặc thay thế van tim
Hở van tim nếu gây ra triệu chứng và làm suy giảm chức năng tim sẽ thường cần phải sửa chữa hoặc thay thế. Phương pháp điều trị tốt nhất cho tình trạng này sẽ phụ thuộc vào loại van bị ảnh hưởng và nguyên nhân gây vấn đề.
Các van tim
Tim có bốn van, bất kỳ van nào trong số đó cũng có thể bị hở:
- Van động mạch chủ: Cho phép máu ra khỏi tâm thất trái và vào động mạch chủ, dẫn máu đi nuôi cơ thể.
- Van hai lá: Cho phép máu chảy từ tâm nhĩ trái xuống tâm thất trái.
- Van động mạch phổi: Cho phép máu từ tâm thất phải chảy đến phổi để được oxy hóa.
- Van ba lá: Cho phép máu từ tâm nhĩ phải chảy xuống tâm thất phải.
Mỗi van có các lá van mở ra để cho phép máu chảy qua. Sau đó, các van đóng lại để máu lấp đầy buồng tim trước khi mở ra lần nữa. Hở van tim thường xảy ra do các lá van gặp vấn đề và không thể đóng kín đúng cách.
Van động mạch chủ và van hai lá là những van thường bị hở nhất. Theo một nghiên cứu năm 2019 so sánh việc sửa chữa và thay thế van để điều trị tình trạng hở van hai lá nặng do bệnh lý nội tại của van (còn gọi là hở van hai lá nguyên phát), sửa chữa van hai lá có tỷ lệ tử vong thấp hơn.
Nghiên cứu này cũng cho thấy tỷ lệ suy tim và xảy ra các biến chứng khác của phương pháp sửa chữa và phương pháp thay thế van là tương đương nhau.
Dựa trên một nghiên cứu khác năm 2019, phương pháp sửa chữa van động mạch chủ có tỷ lệ tử vong tương đương với thay thế van động mạch chủ.
Tỷ lệ cần thực hiện các thủ thuật theo dõi sẽ cao hơn ở những người thực hiện sửa chữa thay vì thay thế van động mạch chủ.
Hở van hai lá nguyên phát so với thứ phát
- Hở van nguyên phát: Là khi hở van do một hoặc nhiều bộ phận của van tim không hoạt động đúng cách.
- Hở van thứ phát: Là khi hở van do một tình trạng hoặc bệnh lý khác (như bệnh tim mạch vành hoặc huyết áp cao) hoặc do chấn thương gây ra.
Các phương pháp sửa chữa van tim
Van tim bị hở có thể được sửa chữa bằng nhiều thủ thuật khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các thủ thuật này có thể là:
- Phẫu thuật tạo hình vòng van (Annuloplasty): Là một thủ thuật để gia cố các vòng xung quanh van (vòng van).
- Phẫu thuật tạo hình van tim (Valvuloplasty): Có thể bao gồm:
- Vá các lỗ hở trên van
- Nối các lá van sắp tách ra khỏi phần còn lại của van lại
- Tách các lá van bị dính vào nhau
- Cắt bỏ mô thừa của van để đảm bảo van đóng kín hơn
Đối với tình trạng hở van hai lá nặng, một thủ thuật qua ống thông có thể được thực hiện để gắn kẹp vào van, giúp van đóng kín hơn. Thủ thuật này thường dành cho những người bị hở van hai lá thứ phát mà không được điều trị hiệu quả bằng thuốc.
Các phương pháp thay thế
Nếu van bị tổn thương nghiêm trọng, có thể cần phải thay thế toàn bộ van. Việc thay thế van tim bị hở có thể được thực hiện qua phẫu thuật hở hoặc trong một số trường hợp là qua một ống thông được đưa vào động mạch lớn (thường bắt đầu từ đùi trên) và được dẫn lên đến tim.
Đối với các trường hợp ít nghiêm trọng hơn, van thay thế có thể được đặt bên trong van tự nhiên. Đây gọi là thủ thuật valve-in-valve.
Một phương pháp thay thế van động mạch chủ phức tạp gọi là thủ thuật Ross. Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ lấy van động mạch phổi và thay vào vị trí của van động mạch chủ. Sau đó, cấy một van cơ học vào vị trí ban đầu của van động mạch phổi.
Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy thủ thuật Ross là một phương pháp rất hữu ích để điều trị vấn đề về van động mạch chủ bẩm sinh cho trẻ em. Nghiên cứu cũng phát hiện rằng thủ thuật này mang lại kết quả lâu dài khả quan và giảm nguy cơ xảy ra biến chứng.
Các van thay thế có thể là van cơ học hoặc van sinh học, làm từ mô của bò, lợn hoặc tim người. Van cơ học có thể tồn tại suốt đời, nhưng thường gây nguy cơ hình thành cục máu đông cao hơn. Những người được thay van cơ học sẽ cần dùng thuốc chống đông máu suốt đời.
Van sinh học không làm tăng nguy cơ đông máu và đột quỵ, nhưng có thể cần phải thay thế một hoặc nhiều lần tùy theo tuổi tác và tình trạng sức khỏe tổng thể.
Tiên lượng của người bị hở van tim
Tiên lượng của người bị hở van tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
Tiên lượng đối với những người mắc tình trạng hở van tim nhẹ, không có triệu chứng và không có vấn đề tim mạch khác là rất khả quan. Tương tự, nếu bệnh van tim được điều trị hiệu quả và không có biến chứng nào thì tiên lượng nhìn chung là tích cực.
Một nghiên cứu năm 2020 cho thấy rằng ngay cả đối với những người bị hở van hai lá nặng do van bị thoái hóa thì phương pháp sửa chữa van hai lá khi được tiến hành thành công có thể giúp đảm bảo tuổi thọ của bệnh nhân được như bình thường.
Điều quan trọng là bạn cần kiểm tra sức khoẻ tim mạch thường xuyên. Chủ động theo dõi sức khoẻ có thể giúp phát hiện sớm các vấn đề và ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài.
Kết luận
Nếu bị hở van tim nhưng không có triệu chứng hay vấn đề tim mạch, có thể bạn không sẽ cần phải điều trị.
Nếu thấy xuất hiện các triệu chứng như đau ngực, tim đập nhanh hoặc khó thở, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để thông báo về triệu chứng của mình. Những trường hợp bị hở van tim gây ra triệu chứng và ảnh hưởng đến chức năng tim thường cần phải phẫu thuật để sửa chữa hoặc thay thế.
Loại thủ thuật phù hợp sẽ phụ thuộc vào loại van bị ảnh hưởng, mức độ tổn thương của van và mức độ ảnh hưởng đến chức năng tim. Khi được điều trị đúng phương pháp, tiên lượng của người bị hở van tim thường khá khả quan.

Điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống có thể giúp kiểm soát bệnh động mạch ngoại biên. Các phương pháp điều trị khác còn có dùng thuốc và phẫu thuật.

Viêm nội tâm mạc nhiễm trùng là tình trạng lớp màng bên trong van tim hoặc các buồng tim bị nhiễm trùng và viêm. Tình trạng này thường do vi khuẩn xâm nhập vào máu và di chuyển đến tim. Vi khuẩn có thể đến từ miệng, da, ruột, hệ hô hấp hoặc đường tiết niệu.

Thông liên nhĩ là một dị tật tim bẩm sinh. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), tình trạng này xảy ra ở khoảng 1/1.859 trẻ sơ sinh tại Hoa Kỳ.

Động mạch chủ là mạch máu lớn nhất trong cơ thể con người. Động mạch này mang máu từ tim lên đầu, sau đó đến cánh tay và xuống bụng, chân và vùng chậu. Thành động mạch chủ có thể trở nên suy yếu và phình lên giống như quả bóng. Tình trạng này được gọi là phình động mạch chủ và nếu xảy ra ở phần động mạch chủ vùng bụng thì được gọi là phình động mạch chủ bụng (abdominal aortic aneurysm).

Phình động mạch chủ ngực (thoracic aortic aneurysm) là tình trạng một phần của động mạch chủ bị suy yếu và phồng lên. Đây là một tình trạng rất nguy hiểm. Phình động mạch chủ ngực thường không có triệu chứng khi chưa vỡ. Phát hiện và điều trị sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng nghiêm trọng.