Các loại thuốc điều trị suy tim tâm thu

Suy tim tâm thu xảy ra khi tim bơm máu không hiệu quả như bình thường. Nếu tâm thất trái không co bóp đủ mạnh, bạn có thể bị suy tim tâm thu. Các triệu chứng của suy tim tâm thu là:
- Mệt mỏi.
- Khó thở.
- Tăng cân.
- Ho.
Dưới đây là thông tin về các loại thuốc thường được sử dụng trong điều trị suy tim tâm thu bạn cần biết để trao đổi với bác sĩ.
Các loại thuốc để điều trị suy tim tâm thu là gì?
Suy tim tâm thu có thể được điều trị bằng một số loại thuốc khác nhau, mục đích là để giảm áp lực cho tim, đồng thời ngăn ngừa các chất hoá học làm suy yếu tim theo thời gian. Nhờ đó, chức năng tim được cải thiện và chất lượng cuộc sống được nâng cao.
Thuốc chẹn beta (Beta-blockers)
Nhóm thuốc này có tác dụng:
- Làm chậm nhịp tim.
- Giảm huyết áp.
- Giảm lực co bóp của tim.
- Điều trị phần tim bị tổn thương.
Thuốc chẹn beta có tác dụng ức chế hoạt động của các thụ thể beta, thường bị kích thích bởi epinephrine hoặc norepinephrine.
Thuốc ức chế kênh If (Ivabradine)
Thuốc này hoạt động tương tự thuốc chẹn beta, giúp giảm hoặc làm chậm nhịp tim. Hiện tại, Ivabradine (Corlanor) là thuốc duy nhất trong nhóm này được phê duyệt sử dụng.
Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACEi)
Angiotensin là một hormone do cơ thể sản sinh, giúp ổn định hệ tuần hoàn bằng cách làm co thắt mạch máu và làm tăng huyết áp.
Ở người khoẻ mạnh, angiotensin giúp huyết áp được giữ ở mức không quá thấp. Tuy nhiên, đối với người bị suy tim, nồng độ angiotensin có thể tăng cao bất thường, làm tăng gánh nặng cho tim.
ACEi có tác dụng:
- Ngăn chặn hoạt động của men chuyển angiotensin.
- Làm giãn mạch máu.
- Giảm tình trạng tích nước và muối.
Nhờ đó, huyết áp sẽ giảm, tim được nghỉ ngơi và không phải làm việc quá sức để bơm máu.
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin (ARBs)
Thuốc ARBs có tác dụng tương tự ACEi vì đều tác động đến angiotensin. ARBs thường được sử dụng nếu người bệnh không dung nạp ACEi do các tác dụng phụ như ho hoặc phù.
Lưu ý: ACi và ARBs không được sử dụng đồng thời.
Thuốc ức chế thụ thể angiotensin – neprilysin (ARNis)
ARNis là sự kết hợp giữa thuốc ARB và thuốc ức chế neprilysin. Đây có thể là phương pháp hiệu quả nhất đối với một số bệnh nhân.
Ví dụ: Valsartan (Diovan) và Sacubitril (Entresto). Thuốc này hoạt động bằng cách:
- Làm giãn mạch máu.
- Giảm lượng dịch thừa trong cơ thể.
Các loại thuốc này được lựa chọn tùy theo tình trạng cụ thể của người bệnh và thường được kết hợp để đạt hiệu quả điều trị tối ưu. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để biết phương pháp điều trị nào là phù hợp nhất cho mình.
Thuốc lợi tiểu
Thuốc lợi tiểu, thường được gọi là thuốc nước, giúp ngăn ngừa sự tích tụ lượng chất lỏng thừa trong cơ thể. Khi sử dụng thuốc này, bạn có thể cảm thấy khát nước và đi tiểu nhiều hơn.
Thuốc lợi tiểu có tác dụng giúp bạn dễ thở hơn và giảm đầy hơi hoặc sưng tấy. Các thuốc này chỉ được dùng để giảm triệu chứng chứ không giúp kéo dài tuổi thọ hay làm bệnh chậm tiến triển.
Thuốc kháng aldosterone
Loại thuốc này tác động lên các hormone có chức năng làm giảm căng thẳng được kích hoạt khi bị suy tim. Thuốc này thường là một phần trong phác đồ kết hợp các loại thuốc dùng để điều trị suy tim tâm thu.
Thuốc này có thể làm tăng kali trong máu. Vì thế, cần chú ý đến chế độ ăn uống để tránh tiêu thụ quá nhiều kali.
Digoxin
Digoxin, còn được gọi là digitalis, có tác dụng làm chậm nhịp tim và tăng cường lực co bóp của cơ tim. Bác sĩ có thể kê đơn loại thuốc này nếu bạn có vấn đề về nhịp tim như rung nhĩ.
Cần cẩn thận khi sử dụng thuốc Digoxin vì loại này đã được kết luận rằng có thể gây ra một số tác dụng phụ và có thể chứa độc tính.
Inotropes
Đây là một nhóm thuốc tiêm tĩnh mạch (IV) thường được sử dụng trong bệnh viện. Thuốc giúp duy trì huyết áp và cải thiện khả năng bơm máu của tim. Các thuốc này chỉ được khuyến cáo sử dụng trong thời gian ngắn.
Thuốc giãn mạch
Một nhóm thuốc dùng trong điều trị các vấn đề tim mạch quan trọng khác là thuốc giãn mạch như hydralazine và nitrates. Các loại thuốc này giúp làm giãn các mạch máu. Khi mạch máu giãn, huyết áp sẽ giảm. Điều này giúp tim bơm máu dễ dàng hơn.
Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển natri – glucose 2 (SGLT2i)
Nhóm thuốc này, thường được gọi là thuốc ức chế SGLT-2, ban đầu được phê duyệt để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, về sau, những người sử dụng thuốc này cũng thấy nó có lợi trong việc điều trị suy tim.
Nhóm thuốc này hiện đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt để điều trị suy tim. Thuốc ức chế SGLT-2 có thể cải thiện mức đường huyết, giảm huyết áp và góp phần giảm cân.
Các loại thuốc khác có thể được kê đơn để điều trị suy tim?
Bác sĩ cũng có thể kê thuốc chống đông máu để giảm nguy cơ đông máu, đặc biệt là khi có vấn đề về nhịp tim như rung nhĩ.
Các phương pháp điều trị khác có thể sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến sức khỏe tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường và cholesterol cao. Ví dụ, bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng statins để giảm mức cholesterol.
Suy tim tâm thu hay tâm trương?
Suy tim tâm thu còn được gọi là suy tim với phân suất tống máu giảm. Phân suất tống máu đo lường lượng máu từ tâm thất trái được bơm ra mỗi khi tim đập.
Phân suất tống máu bình thường dao động từ 55% đến 70%. Khi mắc suy tim tâm thu, tim không thể bơm đủ máu ra khỏi tâm thất trái như bình thường. Rối loạn tâm thu nhẹ có nghĩa là phân suất tống máu của tâm thất trái là từ 41-49%. Phân suất tống máu dưới 40% có thể là dấu hiệu của suy tim.
Loại suy tim trái khác là suy tim tâm trương, hay còn gọi là suy tim với phân suất tống máu bảo tồn. Trong trường hợp này, tâm thất trái có thể bơm máu bình thường nhưng không thể thư giãn bình thường giữa các nhịp đập.
Khác với điều trị suy tim tâm thu, điều trị suy tim tâm trương thường tập trung vào việc điều trị các vấn đề liên quan như:
- Cao huyết áp
- Ngưng thở khi ngủ
- Tiểu đường
- Giữ nước muối
- Béo phì
Tất cả các vấn đề trên đều có thể góp phần gây suy tim. Vì vậy, việc biết chẩn đoán tình trạng cụ thể là rất cần thiết. Bác sĩ sẽ cho bạn biết liệu bạn có bị suy tim trái hay không và nếu có thì đó là suy tim tâm thu hay tâm trương.
Điều gì sẽ xảy ra nếu không dùng thuốc?
Khi bị suy tim tâm thu, cơ thể không thể lưu thông máu một cách hiệu quả. Nếu không dùng thuốc, cơ thể sẽ tự kích hoạt cơ chế bù trừ để cải thiện chức năng tuần hoàn.
Hệ thần kinh giao cảm sẽ tăng cường hoạt động, làm tim đập nhanh và mạnh hơn.
Tuy nhiên, việc kích hoạt phản ứng này trong thời gian dài sẽ khiến các thụ thể trong tim kích hoạt hệ thần kinh giao cảm bị suy giảm hiệu quả. Điều này làm suy tim trầm trọng hơn, tạo thành một vòng luẩn quẩn.
Thuốc điều trị giúp làm chậm quá trình tiến triển suy tim, giảm gánh nặng cho tim, điều hòa lưu lượng máu và ổn định tuần hoàn.
Thuốc có gây tác dụng phụ không?
Hầu hết các loại thuốc đều có tác dụng phụ. Một số tác dụng phụ thường gặp của thuốc điều trị suy tim là:
- Chóng mặt.
- Buồn nôn.
- Đau đầu.
- Mất cảm giác thèm ăn.
Trong đó, một số tác dụng phụ có thể không ảnh hưởng nghiêm trọng nhưng một số lại gây nguy hiểm và cần được xử lý kịp thời. Hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ có thể xảy ra và khi nào cần liên hệ để được tư vấn.
Có cần phải dùng nhiều loại thuốc không?
Điều trị suy tim thường cần kết hợp nhiều loại thuốc để có được hiệu quả tốt nhất. Ví dụ, ACEi giúp giảm nguy cơ tử vong do suy tim khoảng 17%, nhưng khi kết hợp thêm thuốc chẹn beta, nguy cơ này giảm tới 35%. Sử dụng thêm spironolactone (một thuốc kháng aldosterone) sẽ giúp cải thiện kết quả hơn nữa.
Liệu pháp kết hợp thuốc có thể giảm nguy cơ tử vong do suy tim trong vòng 2 năm tới 50%.
Bác sĩ sẽ chỉ định số lượng và loại thuốc phù hợp dựa trên tình trạng cụ thể và tiền sử bệnh của bạn.
Làm sao để thuốc đạt hiệu quả cao nhất?
Dùng thuốc đúng liều và đúng giờ theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Lưu ý các hướng dẫn đặc biệt, chẳng hạn như nên dùng thuốc cùng hoặc không cùng thức ăn, và tránh các thực phẩm, đồ uống, hoặc chất bổ sung có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc.
Ghi lại danh sách tất cả các loại thuốc đang dùng và mang theo bên mình.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào, hãy ghi lại và hỏi bác sĩ trong các lần thăm khám.
Kết luận
Suy tim tâm thu (suy tim với phân suất tống máu giảm) có thể điều trị được bằng thuốc. Nếu không dùng thuốc, tình trạng suy tim thường trở nên nặng hơn.
Mục đích của việc điều trị là để cải thiện chất lượng cuộc sống, giảm nguy cơ phải nhập viện, giảm triệu chứng, và cải thiện chức năng tim.
Hãy tuân thủ hướng dẫn dùng thuốc của bác sĩ. Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn các thông tin về cơ chế hoạt động của thuốc và lý do cần dùng các loại thuốc đó.

Suy tim sung huyết là một bệnh lý tiến triển mãn tính ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của cơ tim

Suy tim xảy ra khi tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết cho cơ thể. suy tim cấp là một tình trạng cấp cứu y tế, có thể xảy ra đột ngột mà không có dấu hiệu báo trước.

Các thủ thuật y khoa khác nhau, như bắc cầu động mạch vành hoặc can thiệp động mạch vành qua da, có thể giúp điều trị các nguyên nhân cơ bản gây suy tim. Một số trường hợp có thể cần cấy thiết bị dưới da để hỗ trợ tim, thậm chí là ghép tim.

Suy tim có hai loại chính: suy tim trái và suy tim phải. Trong đó, suy tim trái là loại suy tim phổ biến hơn. Suy tim trái được chia làm hai loại là suy tim tâm trương và suy tim tâm thu.