Các loại suy tim

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), ước tính có 6,2 triệu người trưởng thành tại Hoa Kỳ mắc bệnh suy tim, phổ biến nhất ở những người từ 65 tuổi trở lên.
Khi mắc suy tim, tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của các mô và cơ quan trong cơ thể.
Tiên lượng và kế hoạch điều trị suy tim sẽ phụ thuộc vào nguyên nhân cơ bản cũng như mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh.
Suy tim trái
Suy tim trái xảy ra khi tâm thất trái, buồng dưới bên trái của tim, gặp vấn đề trong việc bơm máu giàu oxy từ phổi đến các phần còn lại của cơ thể.
Tình trạng này khiến máu bị ứ đọng lại trong các tĩnh mạch phổi, các tĩnh mạch vận chuyển máu từ phổi về tim.
Suy tim bên trái có thể gây ra các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Ho
- Phù chân
Suy tim bên trái được chia ra thành suy tim tâm trương và suy tim tâm thu, cả hai đều ảnh hưởng đến tâm thất trái.
Suy tim tâm trương
Suy tim tâm trương còn được gọi là suy tim với phân suất tống máu bảo tồn (HFpEF).
Theo một bài đánh giá năm 2017, khoảng một nửa số người trên toàn thế giới mắc bệnh suy tim thuộc loại suy tim tâm trương, và con số này đang ngày càng gia tăng.
Với loại suy tim này, cơ của tâm thất trái bị cứng và không còn khả năng giãn nở đúng cách, làm tim không nhận đủ máu giàu oxy từ phổi để bơm đến phần còn lại của cơ thể.
HFpEF thường bị gây ra do:
- Béo phì
- Tăng huyết áp không được kiểm soát tốt
- Bệnh tiểu đường
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Suy tim tâm thu
Bài đánh giá năm 2017 cũng ước tính rằng một nửa số người mắc suy tim còn lại thuộc loại suy tim tâm thu, hay còn gọi là suy tim với phân suất tống máu giảm (HFrEF).
Khi mắc phải tình trạng này, cơ của tâm thất trái bị suy yếu và không còn khả năng co bóp hiệu quả. Điều này khiến tim không thể bơm máu với lực đủ mạnh để cung cấp oxy cho cơ thể.
HFrEF thường do bệnh động mạch vành hoặc tắc nghẽn trong các động mạch quanh tim gây ra.
Suy tim phải
Suy tim phải ít gặp hơn so với suy tim trái.
Nguyên nhân gây suy tim phải phổ biến nhất là do phần tim bên phải bị tổn thương do suy tim bên trái. Tuy nhiên, suy tim phải cũng có thể do các bệnh lý khác như hở van tim.
Khi mắc suy tim phải, tâm thất phải không thể bơm đủ máu từ tim đến phổi để được oxy hóa. Điều này làm máu bị ứ đọng lại trong các tĩnh mạch.
Tình trạng này có thể khiến dịch lỏng từ tĩnh mạch tràn vào các mô xung quanh, gây phù ở bàn chân, mắt cá chân, cẳng chân hoặc bụng. Việc tích tụ dịch có thể dẫn đến tăng cân.
Suy tim phải cũng có thể dẫn đến các tính trạng:
- Mệt mỏi
- Tiểu nhiều
- Mất cảm giác thèm ăn
- Buồn nôn
- Tăng cân
- Phù chân
Suy tim hai bên
Suy tim hai bên ảnh hưởng đến cả hai bên trái và phải của tim, gây ra các triệu chứng của cả suy tim phải và suy tim trái như:
- Mệt mỏi
- Khó thở hoặc ho
- Phù ở mắt cá chân, cẳng chân, bụng hoặc các bộ phận khác trên cơ thể
- Tiểu nhiều
- Mất cảm giác thèm ăn
- Buồn nôn
- Tăng cân
Nhiều người mắc suy tim ban đầu là suy tim bên trái, sau đó tiến triển thành suy tim hai bên do ảnh hưởng của suy tim trái đến phần tim bên phải.
Suy tim mạn tính
Suy tim mạn tính là tình trạng suy tim tiến triển trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Phần lớn các trường hợp suy tim thuộc loại mạn tính.
Suy tim mạn tính thường do các bệnh lý mạn tính khác hoặc các yếu tố nguy cơ làm suy yếu hoặc tổn thương tim.
Nguy cơ mắc suy tim mạn tính sẽ tăng lên nếu bạn mắc các tình trạng như:
- Huyết áp cao
- Bệnh động mạch vành
- Vấn đề về van tim
- Dị tật tim bẩm sinh
- Bệnh phổi nặng
- Bệnh tiểu đường
- Béo phì
- Hội chứng ngưng thở khi ngủ
Triệu chứng của suy tim mạn tính thường tiến triển dần dần và có thể rất khó nhận biết.
Điều quan trọng là cần chú ý đến các thay đổi nhỏ trong vận động của cơ thể và báo lại cho bác sĩ biết. Việc điều trị sớm có thể giúp cải thiện được tiên lượng.
Suy tim cấp tính
Suy tim cấp tính là tình trạng suy tim tiến triển đột ngột, ít phổ biến hơn so với suy tim mạn tính.
Một số nguyên nhân tiềm ẩn gây suy tim cấp tính bao gồm:
- Cơn đau tim
- Nhiễm trùng hoặc viêm tim
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc
- Lạm dụng rượu hoặc ma túy
- Yếu tố di truyền
- Hình thành cục máu đông trong động mạch phổi
Triệu chứng của suy tim cấp tính có thể xuất hiện nhanh chóng trong vài giờ hoặc vài ngày. Các triệu chứng phổ biến bao gồm:
- Mệt mỏi
- Khó thở
- Sưng phù ở tay chân
- Đau ngực
- Khó thở khi nằm xuống
- Cần kê thêm gối để ngủ
Suy tim cấp tính thường là tình trạng đe dọa đến tính mạng. Nếu nghi ngờ mình đang có các triệu chứng của suy tim cấp tính, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.
Kết luận
Suy tim có thể ảnh hưởng đến bên phải, bên trái hoặc cả hai bên tim. Tình trạng này có thể thay đổi và tiến triển xấu đi theo thời gian.
Để điều trị suy tim, bác sĩ có thể kê đơn thuốc, thực hiện phẫu thuật hoặc áp dụng các phương pháp điều trị khác.
Ngoài ra, bác sĩ có thể khuyến nghị thay đổi chế độ ăn, giảm lượng nước tiêu thụ, điều chỉnh thói quen tập luyện hoặc các lối sống khác để giúp bạn sống lâu hơn và khỏe mạnh hơn khi mắc suy tim.
Nếu nhận thấy bất kỳ thay đổi nào trong triệu chứng hoặc sức khỏe tổng thể, hãy hỏi ý kiến bác sĩ.
Cần liên hệ bác sĩ ngay nếu gặp tình trạng tăng cân đột ngột, sưng ở chân, hoặc các triệu chứng bất thường khác.