1

Bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) là gì?

Bóc tách động mạch vành là một bệnh tim mạch nghiêm trọng cần được cấp cứu khẩn cấp. Tình trạng này xảy ra khi một trong các động mạch trong tim xuất hiện vết rách ở lớp trong (nội mạc)—một trong ba lớp của thành động mạch.
Hình ảnh 37 Bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) là gì?

Một dạng bóc tách động mạch vành được gọi là bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD – Spontaneous Coronary Artery Dissection). Khi lớp trong bị rách, máu có thể tích tụ giữa các lớp của thành động mạch, tạo thành cục máu đông, cản trở dòng máu đến cơ tim. Cục máu đông này có thể lớn dần do tiểu cầu và các thành phần khác tích tụ.

Tình trạng bóc tách này đôi khi cũng xảy ra ở động mạch chủ, động mạch lớn dẫn máu từ tim đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể. Khi đó, bệnh được gọi là bóc tách động mạch chủ.

Theo một đánh giá năm 2015, SCAD thường gặp hơn ở phụ nữ trên 50 tuổi hoặc phụ nữ sau mãn kinh. Tuy nhiên, đây cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây nhồi máu cơ tim ở phụ nữ trước mãn kinh. Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy bóc tách động mạch chủ thường gặp nhất ở nam giới trong độ tuổi 60–70. Dù vậy, cả hai tình trạng này đều có thể xảy ra ở bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào.

Dưới đây là những thông tin về các triệu chứng, phân loại, nguyên nhân và phương pháp điều trị SCAD.

Triệu chứng

Triệu chứng của bóc tách động mạch chủ và bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) tương tự như dấu hiệu của nhồi máu cơ tim, bao gồm:

  • Đau ngực
  • Khó thở
  • Đau ở một hoặc cả hai cánh tay
  • Đau lan lên vai, cổ hoặc hàm
  • Toát mồ hôi lạnh
  • Buồn nôn
  • Chóng mặt

Cơn đau ngực dữ dội đột ngột và khó thở luôn là tình trạng cấp cứu y tế—ngay cả khi không có triệu chứng khác hoặc các triệu chứng khác không quá nghiêm trọng.

Khi nào cần cấp cứu y tế?

Nếu bạn hoặc người thân có dấu hiệu nghi bị nhồi máu cơ tim, hãy gọi cấp cứu ngay lập tức.

Phân biệt bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) với nhồi máu cơ tim

Cơn đau do bóc tách động mạch chủ thường có cảm giác như ngực bị rách, đâm hoặc xé toạc. Trong khi đó, đau do nhồi máu cơ tim thường được mô tả là cảm giác bị đè nặng, thắt chặt hoặc bóp nghẹt ở ngực.

Triệu chứng của bóc tách động mạch chủ đôi khi cũng giống với triệu chứng của đột quỵ, bao gồm:

  • Yếu hoặc tê liệt một bên cơ thể
  • Khó nói hoặc khó hiểu lời người khác nói
  • Vấn đề về thị giác
  • Chóng mặt, suýt ngất hoặc ngất xỉu

Mặc dù các bệnh này có những triệu chứng đặc trưng nhưng không phải trường hợp nào cũng giống nhau, có thể khác nhau tùy từng người. Vì vậy, triệu chứng đơn thuần không thể giúp chẩn đoán chính xác.

Do cả SCAD, bóc tách động mạch chủ và nhồi máu cơ tim đều có thể đe dọa tính mạng nên bệnh nhân cần được cấp cứu ngay lập tức. Tại bệnh viện, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để xác định nguyên nhân gây ra triệu chứng.

Các loại SCAD

Theo Trường Môn Tim mạch Hoa Kỳ (ACC), SCAD được chia thành ba loại chính:

Loại SCAD

Mô tả

Loại 1

Nhìn thấy rõ một vết rách trên động mạch qua chụp mạch vành có sử dụng thuốc cản quang.

Loại 2

Loại phổ biến nhất, đặc trưng bởi sự thu hẹp đáng kể hoặc tắc nghẽn trong động mạch bị ảnh hưởng.

Loại 3

Hiếm gặp nhất, có hình ảnh giống xơ vữa động mạch nhưng thực chất là do tụ máu, không có dấu hiệu thu hẹp ở các động mạch khác như trong xơ vữa động mạch điển hình.

Ngoài ra, bóc tách động mạch chủ cũng được phân loại dựa trên vị trí của vết rách:

Loại bóc tách động mạch chủ

Mô tả
Loại A

Phổ biến nhất, xảy ra ở phần động mạch chủ gần tim.

Loại B

Xảy ra ở đoạn động mạch chủ đi xuống, từ ngực đến chân.

Nguyên nhân gây SCAD là gì?

Nguyên nhân chính xác gây SCAD hoặc các dạng bóc tách động mạch khác vẫn chưa được hiểu rõ, tuy nhiên có một số yếu tố nguy cơ đã được xác định.

Một nghiên cứu năm 2021 cho thấy phụ nữ có nguy cơ bị SCAD cao hơn đáng kể so với nam giới. SCAD thường gặp ở phụ nữ trong độ tuổi 40–50, nhưng phụ nữ mang thai hoặc sau sinh cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.

Trong khi đó, nam giới có nhiều khả năng bị bóc tách động mạch chủ hơn phụ nữ.

Một nghiên cứu năm 2019 ghi nhận một số bệnh lý làm tăng nguy cơ SCAD và bóc tách động mạch vành, bao gồm:

  • Hội chứng Ehlers-Danlos
  • Loạn sản sợi cơ
  • Hội chứng Marfan
  • Lupus ban đỏ

Ngoài ra, các yếu tố nguy cơ khác gây SCAD và các loại bóc tách động mạch khác bao gồm:

  • Tăng huyết áp không kiểm soát tốt
  • Xơ vữa động mạch
  • Các bệnh lý mạch máu khác

Các hoạt động gắng sức, đặc biệt là tập luyện cường độ cao như nâng tạ, cũng có thể làm tăng nguy cơ SCAD và bóc tách động mạch chủ.

Chẩn đoán bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) như thế nào?

SCAD thường được phát hiện khi bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim. Các bước ban đầu để chẩn đoán nhồi máu cơ tim bao gồm:

  • Điện tâm đồ (EKG) để theo dõi hoạt động điện tim
  • Xét nghiệm máu đo troponin, một loại protein xuất hiện trong máu sau nhồi máu cơ tim

SCAD chiếm khoảng 1/4 số ca nhồi máu cơ tim ở phụ nữ dưới 60 tuổi. Nếu bệnh nhân có triệu chứng nhồi máu cơ tim nhưng không có dấu hiệu xơ vữa động mạch, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra SCAD.

Chụp mạch vành (coronary angiography) là phương pháp chính để chẩn đoán SCAD. Kỹ thuật này sử dụng một ống thông nhỏ (catheter) đưa vào động mạch, sau đó bơm thuốc cản quang để hiển thị mạch máu trên X-quang. Qua đó, bác sĩ có thể đánh giá mức độ tổn thương và tắc nghẽn của động mạch.

Một nghiên cứu năm 2014 cho thấy siêu âm trong lòng mạch (IVUS) thường được thực hiện cùng với chụp mạch vành để xác nhận chẩn đoán SCAD. Kỹ thuật này giúp xác định chính xác vị trí và mức độ tổn thương.

IVUS là một thủ thuật sử dụng ống thông, được thực hiện dưới tác dụng của thuốc an thần nhẹ. Bác sĩ sẽ đưa một ống nhỏ có đầu dò siêu âm vào tim và điều chỉnh vị trí phù hợp. Đầu dò này gửi tín hiệu đến máy tính, tạo ra hình ảnh cắt ngang của động mạch. Những hình ảnh này cung cấp góc nhìn 360 độ theo thời gian thực về khu vực tim đang được kiểm tra. IVUS thường được sử dụng để hỗ trợ đặt stent trong điều trị tắc nghẽn động mạch."

Đối với bóc tách động mạch chủ, bác sĩ có thể sử dụng một hoặc nhiều phương pháp chẩn đoán hình ảnh sau:

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT)
  • Siêu âm tim qua thực quản (TEE)
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Điều trị bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD) 

Nếu bác sĩ đánh giá tình trạng bóc tách động mạch chủ là nhẹ, không cần can thiệp ngay, bệnh nhân có thể được kê đơn thuốc để hạ huyết áp và giảm tần số tim.

Các loại thuốc để điều trị SCAD mức độ nhẹ thường bao gồm:

  • Thuốc hạ huyết áp
  • Thuốc chống đông máu để ngăn ngừa hình thành cục máu đông tại vị trí tổn thương

Nếu thuốc không đủ hiệu quả để kiểm soát bệnh, bệnh nhân có thể cần phẫu thuật hoặc can thiệp bằng ống thông để sửa chữa động mạch bị tổn thương.

Đối với SCAD, phẫu thuật bắc cầu động mạch có thể được thực hiện để tạo đường dẫn máu thay thế, sử dụng mạch máu từ bộ phận khác của cơ thể.

Đối với bóc tách động mạch chủ, nếu có tổn thương van động mạch chủ, bệnh nhân có thể cần thay van tim trong quá trình phẫu thuật sửa chữa động mạch.

Cách kiểm soát bóc tách động mạch vành tự phát (SCAD)

Bên cạnh việc điều trị y tế và can thiệp phẫu thuật, Hiệp hội Tim mạch và Đột quỵ Canada khuyến nghị bệnh nhân SCAD nên thay đổi lối sống để bảo vệ sức khỏe tim mạch.

Các biện pháp được khuyến nghị bao gồm:

  • Tập thể dục thường xuyên theo hướng dẫn của bác sĩ
  • Tránh nâng tạ nặng và các môn thể thao va chạm mạnh
  • Duy trì cân nặng hợp lý
  • Áp dụng chế độ ăn uống tốt cho tim mạch, như chế độ ăn Địa Trung Hải
  • Kiểm soát huyết áp, dùng thuốc nếu cần
  • Bỏ thuốc lá hoặc hạn chế hút thuốc
  • Giảm căng thẳng
  • Tham gia chương trình phục hồi chức năng tim

Một nghiên cứu năm 2017 cho thấy ngoài việc thực hiện các thay đổi lối sống, bệnh nhân có thể dùng thuốc chẹn beta để giúp giảm nguy cơ tái phát SCAD. Người bệnh cũng cần khám tim mạch định kỳ để theo dõi sức khỏe tim mạch.

Tiên lượng

Động mạch gặp vấn đề sẽ khiến lượng máu lưu thông ra khắp cơ thể không được đảm bảo đầy đủ.

Nếu động mạch vành bị rách, tim có thể bị tổn thương do thiếu oxy. Nếu động mạch chủ bị rách, bệnh có thể gây tử vong nếu không được phẫu thuật kịp thời.

Tuy nhiên, SCAD và bóc tách động mạch chủ hoàn toàn có thể điều trị được nếu bệnh nhân được cấp cứu kịp thời. Sau khi điều trị, điều quan trọng là bệnh nhân cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc dùng thuốc và điều chỉnh lối sống để ngăn ngừa xảy ra biến chứng tim mạch trong tương lai.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về giãn động mạch vành
Những điều cần biết về giãn động mạch vành

Giãn động mạch vành (coronary artery aneurysm – CAA) là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm và thậm chí tử vong nếu không được điều trị.

Lóc tách động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị
Lóc tách động mạch chủ: Nguyên nhân, triệu chứng và điều trị

Động mạch chủ là động mạch chính dẫn máu giàu oxy từ tim đến các bộ phận còn lại của cơ thể. Cơ thể chúng ta cần máu giàu oxy này để tồn tại. Động mạch chủ có đường kính khoảng 1 inch (2,5cm) và gồm có ba lớp: lớp trong, lớp giữa và lớp ngoài. Lóc tách động mạch là tình trạng các lớp của động mạch chủ tách ra và làm hỏng thành động mạch.

Phân biệt lóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ
Phân biệt lóc tách động mạch chủ và phình động mạch chủ

Phình động mạch chủ (aortic aneurysm) là khi thành động mạch chủ bị yếu, giãn ra và phình lên. Lóc tách động mạch chủ (aortic dissection) là khi lớp bên trong của thành động mạch chủ bị rách. Tình trạng này có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Chụp cộng hưởng từ (MRI) có giúp phát hiện phình động mạch não không?
Chụp cộng hưởng từ (MRI) có giúp phát hiện phình động mạch não không?

Phình động mạch não có thể đe dọa tính mạng và là tình trạng khó phát hiện. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp cộng hưởng từ (MRI) cùng các xét nghiệm có sử dụng thuốc cản quang có thể giúp bác sĩ xác định sự hiện diện, vị trí và hình dạng của túi phình động mạch não.

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) có giúp phát hiện được phình động mạch não không?
Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) có giúp phát hiện được phình động mạch não không?

Chụp cắt lớp vi tính (CT scan) là một phương pháp giúp xác định vị trí, kích thước và hình dạng của phình động mạch não.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây