Biến dạng ngón chân cái: Nguyên nhân, biến chứng và điều trị

Thường xuyên mang giày chật có thể gây ra hoặc làm trầm trọng tình trạng biến dạng ngón chân cái. Biến dạng ngón chân cái cũng có thể là do hình dạng bẩm sinh của bàn chân, dị dạng bàn chân hoặc một số bệnh lý, chẳng hạn như viêm khớp.
Vấn đề tương tự có thể xảy ra ở khớp bàn ngón chân út, được gọi là biến dạng ngón chân út (bunionettes).
Triệu chứng biến dạng ngón chân cái
Các dấu hiệu và triệu chứng của biến dạng ngón chân cái gồm có:
- Mặt bên của khớp bàn ngón chân cái (khớp ở gốc ngón chân cái) nhô lên bất thường
- Sưng tấy, đỏ hoặc đau quanh khớp bàn ngón chân cái
- Hình thành vết chai ở ngón chân cái hoặc ngón chân trỏ do hai ngón chân này liên tục cọ xát vào nhau
- Đau kéo dài dai dẳng hoặc đau từng cơn ở ngón chân cái hoặc khớp bàn ngón chân cái
- Khó cử động ngón chân cái
Khi nào cần đi khám?
Mặc dù biến dạng ngón chân cái thường không cần điều trị nhưng vẫn nên đi khám nếu như:
- Ngón chân cái hoặc bàn chân bị đau nhức kéo dài
- Khớp bàn ngón chân cái lồi lên bất thường
- Khó cử động ngón chân cái hoặc bàn chân
- Khó mua giày do bàn chân bị biến dạng
Nguyên nhân gây biến dạng ngón chân cái
Mặc dù đã có nhiều giả thuyết về nguyên nhân gây biến dạng ngón chân cái nhưng nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa được xác định. Theo các giả thuyết thì tình trạng này có thể xảy ra do:
- Hình dạng tự nhiên của bàn chân
- Dị dạng bàn chân bẩm sinh
- Chấn thương bàn chân
- Thường xuyên đi giày chật
Vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc liệu đi giày chật hay giày cao gót lâu ngày có thực sự gây biến dạng ngón chân cái hay không.
Biến dạng ngón chân cái có thể liên quan đến một số loại viêm khớp, đặc biệt là viêm khớp dạng thấp.
Ai có nguy cơ biến dạng ngón chân cái?
Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ biến dạng ngón chân cái gồm có:
- Đi giày cao gót: Khi đi giày cao gót, các ngón chân bị ép sát vào nhau và điều này có thể làm tăng nguy cơ biến dạng ngón chân cái hoặc ngón chân út.
- Đi giày không vừa chân: Những người thường xuyên đi giày quá chật hay mũi giày quá nhọn có nguy cơ bị biến dạng ngón chân cái cao hơn.
- Viêm khớp dạng thấp: Loại viêm khớp này có thể làm tăng nguy cơ biến dạng ngón chân cái.
- Di truyền: Biến dạng ngón chân cái có thể là kết quả của một vấn đề di truyền về cấu tạo hay hình dạng của bàn chân.
Biến chứng của biến dạng ngón chân cái
Biến dạng ngón chân cái có thể gây ra các biến chứng như:
- Viêm bao hoạt dịch khớp: Tình trạng viêm xảy ra ở túi nhỏ chứa dịch lỏng ở khớp.
- Ngón chân hình búa: Khớp giữa của ngón chân, thường là ngón chân trỏ bị biến dạng, khiến cho ngón chân bị gập lại và đau đớn.
- Viêm đau khớp bàn ngón chân: Tình trạng đau đớn và sưng tấy ở các khớp nối bàn chân với ngón chân.
Phòng ngừa biến dạng ngón chân cái
Để tránh bị biến dạng ngón chân cái thì hãy lựa chọn giày thật cẩn thận. Giày phải vừa chân và có khoảng trống đủ rộng ở vị trí ngón chân cái. Không đi giày mũi nhọn và giày chật mũi. Hơn nữa, giày phải phù hợp với hình dạng của bàn chân và không chèn ép bất kỳ phần nào của bàn chân.
Chẩn đoán biến dạng ngón chân cái
Bác sĩ có thể chẩn đoán biến dạng ngón chân cái bằng cách quan sát hình dạng bàn chân nhưng thường vẫn phải chụp X-quang để xác nhận chẩn đoán và xác định phương pháp điều trị.
Điều trị biến dạng ngón chân cái
Có nhiều lựa chọn điều trị biến dạng ngón chân cái, tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng.
Các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật
Các phương pháp điều trị không cần phẫu thuật có thể giúp giảm đau do biến dạng ngón chân cái:
- Thay giày: Mang giày rộng rãi, thoải mái và có nhiều khoảng trống cho các ngón chân.
- Sử dụng đệm lót giày: Miếng đệm lót có tác dụng ngăn cách giữa bàn chân và giày, giúp làm giảm cảm giác đau và khó chịu khi mang giày.
- Dùng thuốc: Các loại thuốc giảm đau như acetaminophen, ibuprofen hoặc naproxen sodium sẽ giúp kiểm soát cơn đau do biến dạng ngón chân cái. Nếu cần thiết thì có thể tiêm cortisone.
- Mang lót giày y khoa: Miếng lót giày y khoa có tác dụng phân bố đều trọng lực tác động lên các khu vực của bàn chân khi đi lại, giúp giảm đau nhức và ngăn tình trạng biến dạng ngón chân cái trở nên nặng thêm.
- Chườm lạnh: Chườm đá lên khớp bàn ngón chân cái sau khi phải đi lại nhiều và khi khớp bị tấy đỏ sẽ giúp giảm đau và sưng. Nếu cảm giác ở bàn chân bị suy giảm hoặc có vấn đề về tuần hoàn máu ở bàn chân thì phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chườm đá.
Phẫu thuật
Nếu đã thử hết các phương pháp trên mà không hiệu quả thì có thể sẽ phải phẫu thuật. Chỉ nên tiến hành phẫu thuật khi tình trạng biến dạng ngón chân cái gây đau nhức thường xuyên hoặc cản trở các hoạt động hàng ngày, không nên phẫu thuật vì lý do thẩm mỹ.
Có nhiều loại phẫu thuật để điều trị biến dạng ngón chân cái và tùy vào tình trạng cụ thể mà bác sĩ sẽ chỉ định loại phẫu thuật phù hợp:
- Loại bỏ phần nhô lên ở khớp bàn ngón chân cái
- Làm thẳng ngón chân cái bằng cách cắt bỏ một phần xương
- Điều chỉnh một hoặc nhiều xương ở phần trước của bàn chân về vị trí bình thường
- Làm cứng khớp bàn ngón chân cái vĩnh viễn
Có thể bệnh nhân sẽ đi lại được ngay sau khi làm phẫu thuật. Tuy nhiên, quá trình hồi phục hoàn toàn có thể mất vài tuần đến vài tháng.
Để ngăn vấn đề tái phát, bệnh nhân không được tiếp tục đi giày chật.

Mặc dù không có cách chữa trị khỏi bệnh loãng xương nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp củng cố xương và giảm nguy cơ gãy xương.

Viêm đơn khớp là tình trạng viêm ở một khớp. Tình trạng viêm ở nhiều lớp được gọi là viêm đa khớp. Viêm đơn khớp và viêm đa khớp không phải là một loại viêm khớp riêng biệt mà là mô tả về tình trạng viêm khớp (số lượng khớp bị viêm). Viêm đơn khớp có thể do nhiều nguyên nhân gây ra, gồm có nhiễm trùng, bệnh gout và một số bệnh tự miễn.

Viêm khớp vảy nến (psoriatic arthritis) là loại viêm khớp xảy ra ở những người mắc bệnh vảy nến – một bệnh về da xảy ra do hệ miễn dịch tấn công tế bào da, có triệu chứng là các mảng da đỏ, đóng vảy trắng bạc, ngứa ngáy, đau và chảy máu. Khoảng 90% những người bị viêm khớp vảy nến có tiền sử bệnh vảy nến. Không có cách nào có thể chữa trị khỏi bệnh viêm khớp vảy nến. Mục đích điều trị là kiểm soát các triệu chứng và ngăn khớp hỏng nặng thêm. Nếu không được điều trị, bệnh viêm khớp vảy nến có thể dẫn đến tàn tật.

Viêm khớp phản ứng là tình trạng viêm khớp xảy ra do nhiễm trùng ở một khu vực khác trong cơ thể. Đa phần, viêm khớp phản ứng là do các bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) hoặc nhiễm trùng do vi khuẩn ở đường ruột. Tình trạng viêm khớp thường xảy ra sau khi nhiễm trùng đã được điều trị khỏi.