Bệnh van tim: Triệu chứng và cách điều trị

Một số người mắc bệnh van tim không có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu không được điều trị, bệnh có thể dẫn đến suy tim với các triệu chứng ngày càng nặng hơn. Tùy vào mức độ suy giảm chức năng tim, tình trạng này có thể gây ra rối loạn nhịp thất nguy hiểm đến tính mạng.
Hãy cùng tìm hiểu thêm về cơ chế hoạt động của van tim, nguyên nhân gây ra bệnh van tim và các phương pháp điều trị.
Cấu tạo tim
Các van tim mở và đóng theo mỗi nhịp đập, cho phép máu lưu thông qua các tâm nhĩ (buồng tim trên) và tâm thất (buồng tim dưới).
Tim có 4 van:
- Van ba lá: Nằm giữa tâm nhĩ phải và tâm thất phải.
- Van động mạch phổi: Nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi.
- Van hai lá: Nằm giữa tâm nhĩ trái và tâm thất trái.
- Van động mạch chủ: Nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ.
Máu chảy từ tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái qua van ba lá và van hai lá để vào tâm thất phải và trái. Sau đó, các van này sẽ đóng lại để ngăn máu chảy ngược về tâm nhĩ.
Khi tâm thất đầy máu và bắt đầu co bóp, van động mạch phổi và van động mạch chủ mở ra, cho phép máu chảy vào động mạch phổi và động mạch chủ. Động mạch phổi dẫn máu giàu CO₂ từ tim đến phổi, còn động mạch chủ mang máu giàu oxy đi nuôi cơ thể.
Các van tim đảm bảo dòng máu chảy theo một chiều, không bị ngược dòng hoặc rò rỉ. Nếu van tim bị ảnh hưởng, chúng không thể thực hiện chức năng này một cách hiệu quả.
Các loại bệnh van tim
Dưới đây là các loại bệnh van tim phổ biến:
Sa van hai lá
Sa van hai lá còn được gọi là:
- Hội chứng van đĩa mềm
- Hội chứng tiếng click và tiếng thổi tim
- Hội chứng phình van hai lá
- Hội chứng Barlow
Sa van hai lá xảy ra khi van hai lá không đóng đúng cách, đôi khi khiến máu chảy ngược về tâm nhĩ trái. Phương pháp điều trị thường bao gồm phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van hai lá. Khoảng 2%-4% người dân ở các nước có thu nhập cao mắc phải tình trạng này.
Bệnh van động mạch chủ hai mảnh
Bệnh này xảy ra khi một người sinh ra đã có van động mạch chủ chỉ có hai lá van thay vì ba lá. Trong trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng có thể xuất hiện ngay từ khi sinh.
Tuy nhiên, nhiều người có thể sống đến hàng chục năm mà không biết mình mắc bệnh. Khoảng 0,5%-1,4% dân số mắc phải tình trạng này.
Van tim thường vẫn hoạt động tốt trong nhiều năm mà không gây ra triệu chứng, vì thế nên người mắc bệnh van động mạch chủ hai mảnh thường không được chẩn đoán cho đến khi đến độ tuổi trưởng thành. Hầu hết các trường hợp có thể được điều trị bằng phẫu thuật.
Hẹp van tim
Hẹp van tim xảy ra khi van không mở hoàn toàn, khiến lượng máu lưu thông qua van không đủ. Bất kỳ van tim nào cũng có thể gặp tình trạng này. Nguyên nhân thường là do van tim bị dày hoặc cứng.
Khoảng 0,3%-0,5% dân số mắc bệnh hẹp van tim. Ở người trên 65 tuổi, tỷ lệ tăng lên thành 2%-7%.
Một số trường hợp bệnh không cần điều trị, tuy nhiên những trường hợp khác có thể cần phải phẫu thuật thay thế hoặc sửa chữa van tim. Với các trường hợp nhẹ, có thể thực hiện nong van tim bằng bóng.
Hở van tim
Hở van tim, còn gọi là “rò rỉ van tim”, có thể xảy ra ở van hai lá hoặc van ba lá. Bệnh xảy ra khi van không đóng đúng cách, khiến máu chảy ngược lại. Mỗi năm có khoảng 0,9% dân số Mỹ gặp phải tình trạng này.
Hở van tim có tác động khác nhau tùy từng người. Một số chỉ cần theo dõi, trong khi người khác cần dùng thuốc để ngăn ngừa tích tụ dịch, hoặc phải phẫu thuật sửa chữa hoặc thay thế van tim.
Triệu chứng của bệnh van tim
Triệu chứng sẽ khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim. Thông thường, khi tình trạng ảnh hưởng đến lưu lượng máu thì triệu chứng sẽ xuất hiện.
Nhiều người mắc bệnh van tim ở mức độ nhẹ hoặc trung bình sẽ không gặp triệu chứng. Tuy nhiên, nếu xuất hiện, các dấu hiệu và triệu chứng có thể là:
- Khó thở
- Đánh trống ngực
- Mệt mỏi
- Đau ngực
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Đau đầu
- Ho
- Giữ nước, gây sưng ở chân, tay hoặc phình bụng
- Phù phổi, do tích tụ dịch trong phổi
Nguyên nhân gây bệnh van tim
Có nhiều nguyên nhân gây ra các loại bệnh van tim khác nhau. Các nguyên nhân có thể là do:
- Dị tật bẩm sinh
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- Sốt thấp khớp
- Lão hóa, dẫn đến lắng đọng canxi
- Nhồi máu cơ tim
- Bệnh mạch vành
- Bệnh cơ tim
- Bệnh giang mai
- Tăng huyết áp
- Phình động mạch chủ
- Xơ vữa động mạch
- Lupus ban đỏ
Cách chẩn đoán bệnh van tim
Nếu bạn có triệu chứng của bệnh van tim, trước tiên, bác sĩ sẽ tiến hành nghe tim bằng ống nghe để kiểm tra các bất thường trong nhịp tim cho thấy các vấn đề ở van tim.
Bác sĩ cũng có thể nghe phổi để xác định xem liệu có dịch tích tụ hay không, đồng thời kiểm tra các dấu hiệu của tình trạng giữ nước bên ngoài cơ thể. Những biểu hiện này đều có thể do vấn đề ở van tim gây ra.
Các xét nghiệm khác để chẩn đoán bệnh van tim có thể bao gồm:
- Điện tâm đồ (ECG): Ghi lại hoạt động điện của tim để kiểm tra nhịp tim bất thường.
- Siêu âm tim và siêu âm tim qua thực quản: Siêu âm tim sử dụng đầu dò đặt trên ngực còn siêu âm tim qua thực quản sử dụng đầu dò đưa vào thực quản. Cả hai xét nghiệm đều dùng sóng âm để tạo hình ảnh van tim và buồng tim.
- Thông tim: Sử dụng một ống mỏng có gắn camera để chụp hình ảnh tim và mạch máu.
- Chụp X-quang lồng ngực: Được thực hiện để chụp hình ảnh tim.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI) tim: Cung cấp hình ảnh chi tiết hơn về tim.
- Nghiệm pháp gắng sức: Đánh giá các triệu chứng thay đổi khi vận động, giúp bác sĩ xác định mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Điều trị bệnh van tim
Việc điều trị bệnh van tim phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng và các triệu chứng của bệnh. Phần lớn bác sĩ sẽ khuyến nghị bắt đầu bằng các biện pháp điều trị bảo tồn, bao gồm:
- Thường xuyên theo dõi y tế
- Ngừng hút thuốc
- Tuân theo chế độ ăn uống lành mạnh
Các loại thuốc thường được kê đơn là:
- Thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi: Kiểm soát nhịp tim và lưu lượng máu.
- Thuốc lợi tiểu: Giảm tình trạng giữ nước.
- Thuốc giãn mạch: Mở rộng hoặc làm giãn các mạch máu.
Nếu triệu chứng trở nên nghiêm trọng hơn thì có thể cần phải phẫu thuật. Các phương pháp phẫu thuật sửa chữa van tim có thể bao gồm:
- Sử dụng mô của chính bệnh nhân.
- Thay van sinh học từ động vật.
- Thay van hiến tặng từ người khác.
- Sử dụng van cơ học hoặc van nhân tạo.
Nong van tim bằng bóng cũng có thể được sử dụng để điều trị hẹp van tim. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ đưa một bóng nhỏ vào tim, bơm căng nhẹ để mở rộng kích thước của lỗ mở van, sau đó rút bóng ra.
Một phương pháp ít xâm lấn khác là thay van động mạch chủ qua ống thông (TAVR). Trong phương pháp này, bác sĩ sẽ thay thế van tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn thông qua một ống thông.
Tiên lượng cho người mắc bệnh van tim
Tiên lượng sẽ phụ thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng của bệnh van tim. Một số trường hợp chỉ cần được theo dõi định kỳ, trong khi những trường hợp khác lại cần phải can thiệp phẫu thuật.
Trong các trường hợp bệnh nặng, phẫu thuật sửa chữa van tim có thể giúp cải thiện tiên lượng đáng kể. Chỉ 40%-60% số người mắc bệnh hẹp van động mạch chủ mức độ nặng có triệu chứng mà không được phẫu thuật có thể sống được hơn 3 năm kể từ khi chẩn đoán. Tuy nhiên, 80%-90% người được thay van sẽ sống được ít nhất 3 năm.
Hãy trao đổi với bác sĩ về bất kỳ triệu chứng nào mà bản thân thấy lo lắng và đảm bảo kiểm tra sức khỏe định kỳ đúng lịch. Điều này giúp phát hiện sớm các bệnh lý nghiêm trọng tiềm ẩn.

Bệnh cơ tim là nhóm những bệnh xảy ra với cơ tim. Trong hầu hết các trường hợp mắc bệnh cơ tim, cơ tim suy yếu và không thể bơm máu đến khắp cơ thể. Có nhiều loại bệnh cơ tim khác nhau và do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, từ bệnh động mạch vành cho đến tác dụng phụ của một số loại thuốc. Những nguyên nhân này đều có thể dẫn đến nhịp tim không đều, suy tim, vấn đề về van tim hoặc các biến chứng khác. Điều trị và theo dõi, chăm sóc sau điều trị là điều rất quan trọng trong các trường hợp mắc bệnh cơ tim để ngăn ngừa suy tim hoặc các biến chứng khác.

Viêm tĩnh mạch huyết khối là tình trạng viêm xảy ra ở tĩnh mạch, thường là tĩnh mạch ở chân do cục máu đông hình thành và làm tắc nghẽn mạch máu. Viêm tĩnh mạch huyết khối có thể xảy ra ở tĩnh mạch gần bề mặt da (viêm tĩnh mạch huyết khối nông) hoặc tĩnh mạch sâu trong cơ (huyết khối tĩnh mạch sâu).

Thông liên thất là một dạng dị tật tim bẩm sinh phổ biến, trong đó vách ngăn giữa các buồng dưới của tim (tâm thất) có lỗ thông bất thường, khiến cho máu chảy từ tâm thất trái sang tâm thất phải. Sau đó, máu giàu oxy sẽ được bơm trở lại phổi thay vì được vận chyển đi khắp cơ thể, điều này khiến tim phải làm việc nhiều hơn.

Teo van động mạch phổi là một dạng dị tật bẩm sinh, trong đó van động mạch phổi (van tim nằm giữa tâm thất phải và động mạch phổi) không hình thành mà thay vào đó tim được ngăn cách với động mạch phổi bởi một lớp mô rắn. Teo van động mạch phổi thường được phát hiện ngay sau khi sinh.