Bệnh cường giáp ảnh hưởng như thế nào đến huyết áp?

Cường giáp là tình trạng tuyến giáp hoạt động quá mức và nồng độ hormone tuyến giáp trong máu cao hơn bình thường. Căn bệnh này gây ra các triệu chứng như:
- Nhịp tim nhanh
- Mệt mỏi dai dẳng
- Sụt cân
- Cáu kỉnh
- Khó ngủ
- Chịu nóng kém
Hơn một phần tư dân số thế giới bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp được chia thành hai loại là tăng huyết áp nguyên phát (không xác định được nguyên nhân) và tăng huyết áp thứ phát (do một bệnh lý khác gây nên). Cường giáp là một trong những nguyên nhân gây tăng huyết áp thứ phát nhưng tăng huyết áp do nguyên nhân này tương đối hiếm gặp.
Tại sao cường giáp gây tăng huyết áp?
Tăng huyết áp thứ phát chiếm khoảng 10% số ca tăng huyết áp và khoảng 1% trong số này là do vấn đề về tuyến giáp.
Cả suy giáp và cường giáp đều có thể gây tăng huyết áp. Suy giáp là khi tuyến giáp hoạt động kém và không sản xuất đủ hormone tuyến giáp.
Hormone tuyến giáp có tác dụng gì?
Hormone tuyến giáp là tên gọi chung của hai loại hormone mà tuyến giáp tạo ra: thyroxine (T4) và triiodothyronine (T3). Những hormone này tham gia điều hòa quá trình trao đổi chất và quyết định cách mà cơ thể sử dụng năng lượng. Hormone tuyến giáp tác động lên mọi tế bào trong cơ thể.
T3 là dạng hormone tuyến giáp hoạt động, trong khi T4 đa phần không hoạt động. Khoảng 90% lượng hormone mà tuyến giáp tạo ra là T4, hormone này có thể được chuyển đổi thành T3 trong gan, thận hoặc cơ.
Tác động của bệnh cường giáp đến huyết áp
Bệnh cường giáp có thể làm tăng nguy cơ tăng huyết áp. Một số nghiên cứu cho thấy rằng từ 36 – 65% số người mắc bệnh cường giáp có huyết áp cao.
Ngoài các triệu chứng như nhịp tim nhanh và sụt cân không chủ đích, nồng độ hormone tuyến giáp trong máu cao còn có thể làm tăng cung lượng tim (lượng máu mà tim bơm mỗi phút). Ngoài ra, mức hormone tuyến giáp cao còn làm tăng độ cứng của động mạch và giảm khả năng giãn nở của động mạch.
Khi động mạch cứng lại và lượng máu chảy qua động mạch nhiều lên, huyết áp sẽ tăng.
Cường giáp và các bệnh tim mạch khác
Bệnh cường giáp không được điều trị trong thời gian dài còn có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch khác, chẳng hạn như:
- Rung nhĩ
- Đột quỵ
- Nhồi máu cơ tim
Làm sao để biết tăng huyết áp là do cường giáp?
Tăng huyết áp là khi huyết áp từ 140/90 mmHg trở lên.
Nếu một người bị tăng huyết áp mà không có các yếu tố nguy cơ như béo phì, lối sống ít vận động thì rất có thể là tăng huyết áp thứ phát. Và nếu còn có các triệu chứng điển hình của bệnh cường giáp như nhịp tim nhanh hoặc mệt mỏi kéo dài thì có thể nguyên nhân gây tăng huyết áp là do cường giáp.
Tăng huyết áp có thể là dấu hiệu ban đầu của ít nhất 15 loại mất cân bằng nội tiết tố, trong đó có cường giáp và suy giáp.
Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm máu để kiểm tra xem tăng huyết áp có phải do vấn đề về tuyến giáp hay không. Xét nghiệm máu sẽ đo nồng độ:
- T3
- T4
- Hormone kích thích tuyến giáp (TSH)
- Kháng thể tuyến giáp
Nghiên cứu chỉ ra rằng xét nghiệm TSH có thể xác định vấn đề về tuyến giáp trong khoảng 98% trường hợp và loại trừ chính xác vấn đề về tuyến giáp trong khoảng 92% trường hợp.
Tầm quan trọng của việc kiểm soát tăng huyết áp
Tăng huyết áp không được kiểm soát có thể gây ra vấn đề cho toàn bộ cơ thể và làm tăng nguy cơ:
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
- Phình động mạch
- Suy tim
- Bệnh thận
- Vấn đề về mắt
- Hội chứng chuyển hóa
- Sa sút trí tuệ
Điều trị tăng huyết áp do cường giáp
Để điều trị tăng huyết áp thứ phát, trước tiên cần điều trị nguyên nhân gây tăng huyết áp mà trong trường hợp này là bệnh cường giáp. Các phương pháp điều trị chính cho bệnh cường giáp gồm có:
- Thioamide – một loại thuốc ngăn tuyến giáp tạo ra quá nhiều hormone
- Iốt phóng xạ để phá hủy các tế bào sản xuất hormone tuyến giáp
- Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần tuyến giáp
Người bệnh nên kết hợp điều trị bệnh cường giáp với lối sống lành mạnh để kiểm soát huyết áp:
- Tập thể dục thường xuyên
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Ăn uống cân bằng, lành mạnh, ưu tiên thực phẩm toàn phần, hạn chế thực phẩm chế biến sẵn, muối và chất béo xấu
- Không hút thuốc
- Kiểm soát căng thẳng
Tìm hiểu thêm về những thói quen lối sống giúp kiểm soát huyết áp
Tiên lượng của người bị cường giáp
Cường giáp là bệnh có thể điều trị được. Điều trị đúng cách có thể đảo ngược các biến chứng như tăng huyết áp.
Bệnh Graves là nguyên nhân phổ biến nhất gây cường giáp. Đây là một bệnh tự miễn, xảy ra do hệ miễn dịch tấn công các tế bào khỏe mạnh trong tuyến giáp. Bệnh Graves có tỷ lệ điều trị thành công cao và nhìn chung, những người mắc bệnh này thường có tiên lượng tốt.
Nếu không được điều trị đúng cách, bệnh cường giáp sẽ tiến triển nặng thêm thời gian, gây ra các triệu chứng nghiêm trọng hơn và dẫn đến các biến chứng như cục máu đông, đột quỵ và suy tim.
Tóm tắt bài viết
Cường giáp là khi nồng độ hormone tuyến giáp trong máu cao hơn bình thường. Điều này có thể làm tăng lượng máu được bơm từ tim và làm cứng động mạch, dẫn đến tăng huyết áp.
Các phương pháp điều trị cường giáp gồm có dùng thuốc, iốt phóng xạ và phẫu thuật. Kết hợp các phương pháp điều trị này với thói quen lối sống lành mạnh có thể giúp duy trì huyết áp trong phạm vi mức khỏe mạnh.

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

So sánh hai loại máy đo huyết áp và cách sử dụng từng loại máy

Tăng huyết áp không được coi là một loại bệnh tim mạch nhưng có thể dẫn đến bệnh tim mạch.

Mặc dù người trên 65 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp cao hơn nhưng căn bệnh này có thể xảy ra ở độ tuổi trẻ hơn, thậm chí ở độ tuổi 20.

Mất nước có thể làm thay đổi huyết áp. Giảm thể tích máu có thể khiến huyết áp giảm xuống mức thấp nguy hiểm và thậm chí gây sốc. Mất nước còn có liên quan đến tăng huyết áp.