1

Bệnh cơ tim và suy tim có gì giống và khác nhau?

Hai tình trạng này đều ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Bệnh cơ tim có thể dẫn đến suy tim.
Hình ảnh 141 Bệnh cơ tim và suy tim có gì giống và khác nhau?

Cả bệnh cơ tim và suy tim đều làm giảm hiệu quả bơm máu của tim. Tuy nhiên, bệnh cơ tim xảy ra là do gặp các vấn đề cụ thể về cơ tim còn suy tim có thể là hậu quả của nhiều vấn đề tim mạch khác nhau, trong đó có bệnh van tim (van tim bị tổn thương) hoặc rối loạn nhịp tim.

Cả hai tình trạng này đều có xu hướng tiến triển theo thời gian, làm tăng nguy cơ gặp các biến chứng nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng. Mặc dù có những điểm tương đồng nhưng bệnh cơ tim và suy tim vẫn có những khác biệt đáng kể.

Phân biệt bệnh cơ tim và suy tim

Một trong những điểm khác biệt chính giữa bệnh cơ tim và suy tim là nguyên nhân gốc rễ gây bệnh. Đây là yếu tố quyết định đến phương pháp điều trị và mức độ tiến triển của bệnh.

Bệnh cơ tim

Liên quan đến các vấn đề ở cơ tim do nhiễm trùng mô tim, cơ tim phải làm việc quá tải do huyết áp cao hoặc các nguyên nhân khác. Cơ tim có thể bị dày lên, giãn ra, hoặc tích tụ các chất độc hại, gây ảnh hưởng đến chức năng.

Những vấn đề này khiến tim bơm máu đến các cơ quan, cơ bắp và các mô khác trong cơ thể kém hiệu quả hơn.

Sau khi thực hiện chẩn đoán hình ảnh, xét nghiệm máu và khám lâm sàng, nếu phát hiện những thay đổi bất thường ở cơ tim, bác sĩ sẽ chẩn đoán bệnh cơ tim.

Suy tim

Có thể xảy ra do vấn đề ở cơ tim, nhưng cũng có thể do các tình trạng khác như cao huyết áp, bệnh van tim hoặc rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường).

Theo thời gian, bất kỳ tình trạng nào làm suy yếu khả năng bơm máu của tim đều có thể dẫn đến những biến đổi ở cơ tim.

Đối với bệnh nhân suy tim, cơ tim thường phải làm việc nhiều hơn và bị dày lên để bù lại khả năng bơm máu, tương tự như việc bắp tay to lên khi tập luyện liên tục.

Nguồn gốc gây bệnh cơ tim và suy tim cũng khác nhau. Ở trẻ em và người trẻ, bệnh cơ tim thường là do di truyền. Trong khi đó, suy tim ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ nhỏ thường là do dị tật tim bẩm sinh.

Triệu chứng của từng bệnh

Mức độ nghiêm trọng của triệu chứng của bệnh cơ tim và suy tim có thể khác nhau:

  • Bệnh cơ tim:

Có thể không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn mới đầu, dẫn đến việc bị chẩn đoán thiếu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) ước tính rằng cứ 500 người lớn thì có khoảng 1 người mắc tình trạng này.

Tuy nhiên, bệnh có xu hướng tiến triển xấu đi ngay cả khi đã được điều trị và thực hiện những thay đổi lối sống. Từ đó, các triệu chứng biểu hiện rõ ràng hơn.

  • Suy tim:

Hầu như luôn có triệu chứng bất kể nguyên nhân gây ra bệnh.

Các triệu chứng có thể tiến triển dần dần.

Khoảng 2% dân số Mỹ mắc suy tim, con số này tăng lên khoảng 8,5% ở người từ 65–70 tuổi.

Triệu chứng của bệnh cơ tim và suy tim tuy tương tự nhau nhưng vẫn có những sự khác biệt về thời điểm xuất hiện:

 

Suy tim

Bệnh cơ tim

Đau ngực

thường xảy ra nếu nguyên nhân là do nhồi máu cơ tim

thường xảy ra sau khi tập thể dục hoặc ăn nhiều

Chóng mặt

thường do một số loại thuốc điều trị bệnh tim mạch hoặc do đứng dậy quá nhanh

có thể xảy ra bất kỳ lúc nào

Mệt mỏi

đôi khi kèm theo cả tình trạng yếu cơ

thường xảy ra sau khi gắng sức

Rối loạn nhịp tim

có thể xuất hiện trước khi suy tim

có thể do thay đổi tế bào cơ tim ảnh hưởng đến hệ điện tim

Khó thở

nặng hơn khi nằm và có thể gây ho kéo dài

thường nặng hơn sau khi gắng sức

Phù chân

xảy ra đột ngột có thể là dấu hiệu suy tim tiến triển nhanh

có thể là dấu hiệu của suy tim

Nguyên nhân của từng bệnh

Bệnh cơ tim

Bệnh cơ tim có thể là do di truyền hoặc do các tình trạng bệnh lý khác gây ra. Một số nguyên nhân phổ biến gây bệnh cơ tim không phải do di truyền là:

  • Các bệnh tự miễn hoặc bệnh mô liên kết.
  • Bệnh động mạch vành hoặc nhồi máu cơ tim.
  • Vấn đề nội tiết như bệnh tuyến giáp và tiểu đường.
  • Uống quá nhiều rượu.
  • Nhiễm trùng tim.
  • Mang thai.

Bệnh cơ tim có nhiều loại khác nhau, mỗi loại lại có nguyên nhân riêng biệt. Dưới đây là một số loại bệnh cơ tim chính:

Bệnh cơ tim giãn (Dilated Cardiomyopathy - DCM)

Đây là loại bệnh cơ tim phổ biến nhất, thường gặp ở người dưới 60 tuổi.

Nguyên nhân có thể là do nhiễm trùng tim, rối loạn nhịp tim, nhồi máu cơ tim hoặc các yếu tố khác.

Bệnh cơ tim phì đại (Hypertrophic Cardiomyopathy - HCM)

HCM là một tình trạng hiếm gặp, thường do di truyền từ cha mẹ.

Dù là một rối loạn di truyền nhưng bệnh thường chỉ được chẩn đoán khi người bệnh đã ở độ tuổi trưởng thành.

Bệnh cơ tim hạn chế (Restrictive Cardiomyopathy - RCM)

Đây cũng là một loại bệnh cơ tim hiếm gặp.

Nguyên nhân phổ biến nhất gây bệnh cơ tim hạn chế là bệnh amyloidosis tim (bệnh tim thoái hoá dạng bột), xảy ra do sự tích tụ protein amyloid trong mô tim.

Một nguyên nhân khác là do bệnh sarcoidosis tim, khi hệ miễn dịch của cơ thể tạo ra các khối u hạt (granulomas) trong cơ tim.

Suy tim

Cũng giống như bệnh cơ tim, suy tim có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Theo báo cáo năm 2019 của Hiệp hội Suy tim thuộc Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, bệnh cơ tim là một trong những nguyên nhân thường gặp gây suy tim. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khía cạnh cần nghiên cứu thêm để có thể tìm ra cách điều trị tốt nhất nhằm ngăn ngừa bệnh cơ tim tiến triển thành suy tim.

Một số nguyên nhân phổ biến khác gây suy tim là:

  • Rối loạn nhịp tim.
  • Tim bị bất thường bẩm sinh.
  • Bệnh mạch vành.
  • Tiểu đường.
  • Nhồi máu cơ tim.
  • Tăng huyết áp.
  • Tăng áp động mạch phổi (huyết áp cao trong động mạch phổi).
  • Bệnh van tim.

Tim có phục hồi được sau khi mắc bệnh cơ tim không?

Bệnh nhân nếu được chẩn đoán sớm và điều trị tích cực đôi khi có thể khôi phục được chức năng của cơ tim. Theo một đánh giá năm 2022, khoảng 15% người mắc bệnh cơ tim giãn (DCM) có thể phục hồi được kích thước và chức năng tim bình thường sau điều trị.

Khi nào thì bệnh cơ tim tiến triển thành suy tim?

Bệnh cơ tim tiến triển thành suy tim khi những thay đổi trong cấu trúc và chức năng cơ tim trở nên nghiêm trọng, khiến tim không thể bơm đủ máu để đáp ứng nhu cầu của cơ thể.

Nếu bạn được chẩn đoán mắc bệnh cơ tim nhưng cơ tim vẫn đủ khả năng bơm máu đi khắp cơ thể, thì bạn chưa mắc suy tim.

Có khi nào mắc bệnh cơ tim mà không bị nhồi máu cơ tim không?

Dù nhồi máu cơ tim là một yếu tố nguy cơ phổ biến gây bệnh cơ tim và suy tim nhưng bạn vẫn có thể mắc một trong hai tình trạng này mà chưa từng trải qua cơn nhồi máu cơ tim nào hoặc chưa từng được chẩn đoán mắc bệnh động mạch vành.

Tuổi thọ của người mắc những bệnh này là bao lâu?

Tiên lượng của bệnh cơ tim và suy tim phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm có loại bệnh cụ thể, mức độ nghiêm trọng, tuổi tác, sức khỏe tổng thể, và phương pháp điều trị.

Một nghiên cứu năm 2022 đã cho thấy khoảng 34% người mắc bệnh cơ tim giãn (DCM) có thể sống thêm được ít nhất 15 năm sau khi được chẩn đoán.

Tuổi thọ của người mắc suy tim thường phụ thuộc vào giai đoạn bệnh và tuổi tác. Những người trẻ tuổi được chẩn đoán suy tim thường có triển vọng tốt hơn.

Theo một đánh giá năm 2019 dựa trên 60 nghiên cứu nhỏ, tỷ lệ bệnh nhân suy tim mạn tính sống được trung bình hơn 10 năm là 34,9%.

Kết luận

Cả bệnh cơ tim và suy tim đều là các tình trạng ảnh hưởng đến khả năng bơm máu của tim. Mặc dù hai bệnh này có những điểm khác nhau nhưng cả hai đều là các rối loạn tim mạch nghiêm trọng, thường cần được chăm sóc lâu dài để phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Nếu mắc phải một hoặc thậm chí cả hai tình trạng này, hãy phối hợp chặt chẽ với bác sĩ để có cơ hội cải thiện sức khỏe tốt nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Hạ cholesterol giúp giảm nguy cơ bị bệnh tim mạch

Khi bạn có quá nhiều cholesterol, nó sẽ tích tụ trong các động mạch của bạn. Sự tích tụ này làm cho động mạch xơ cứng lại - một quá trình được gọi là xơ vữa động mạch.

Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới
Dấu hiệu và triệu chứng bệnh tim mạch ở nam giới

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây