Tư thế ngủ nào tốt nhất cho tim mạch?

Nằm nghiêng bên trái khi ngủ có lợi cho những người bị trào ngược axit và bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Một nghiên cứu vào năm 2022 phát hiện ra rằng nằm nghiêng bên trái khi ngủ giúp giảm đáng kể thời gian tiếp xúc với axit và làm sạch thực quản nhanh hơn so với tư nằm nghiêng về bên phải.
Tuy nhiên, có một số bằng chứng cho thấy nằm ngủ nghiêng về bên trái có thể gây ra một số tác động tiêu cực đến tim.
Nằm ngủ nghiêng bên trái có lợi ích gì cho sức khỏe?
Trong một nghiên cứu vào năm 1997, các nhà nghiên cứu đã nhận thấy rằng nằm nghiêng khi ngủ gây ra những thay đổi đáng kể về hoạt động điện của tim trên điện tâm đồ (ECG) và những thay đổi càng rõ rệt khi những người tham gia nằm nghiêng về bên trái.
Trong một nghiên cứu khác được thực hiện sau đó, các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng nằm ngủ nghiêng bên trái làm thay đổi kết quả điện tâm đồ ở những người khỏe mạnh. Dựa trên một kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh đặc biệt, các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng nằm ngủ nghiêng bên trái khiến tim dịch chuyển và xoay.
Khi những người tham gia nghiên cứu nằm nghiêng về bên phải thì hoạt động điện của tim gần như không thay đổi. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng khi nằm ở tư thế này, tim được giữ cố định bởi lớp mô mỏng giữa phổi gọi là trung thất.
Các nhà nghiên cứu cho rằng những thay đổi trong hoạt động điện là do sự thay đổi vị trí của tim. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng nằm nghiêng về bên trái không ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền tín hiệu điện trong tim mà ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu. Những thay đổi trong kết quả đo là do thiết bị đo chứ không phải do nhịp tim bị rối loạn.
Cần phải tiến hành thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để kiểm chứng liệu tư thế nằm nghiêng về bên trái khi ngủ có thực hiện có hại đối với những người mắc bệnh tim mạch hay không và có hại ở mức độ nào.
Nằm ngủ nghiêng bên phải có lợi ích gì cho sức khỏe?
Vẫn còn nhiều ý kiến tranh cãi về tư thế nằm ngủ nào có lợi hơn cho tim, nằm nghiêng về bên trái hay nằm nghiêng về bên phải. Một số chuyên gia về giấc ngủ cho rằng nằm nghiêng bên phải khi ngủ sẽ chèn ép lên tĩnh mạch chủ - tĩnh mạch nối với tâm nhĩ phải (buồng trên bên phải của tim).
Tuy nhiên, hiện tại chưa có bằng chứng nào cho thấy nằm ngủ nghiêng về bên phải làm tăng nguy cơ mắc bệnh suy tim và có vẻ như tư thế ngủ này an toàn.
Một nghiên cứu vào năm 2018 phát hiện ra rằng phần lớn những người tham gia mắc bệnh cơ tim giãn thích nằm nghiêng về bên phải khi ngủ hơn là bên trái.
Ngoài ra, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2019 không tìm thấy sự khác biệt nào về sức khỏe của thai phụ và thai nhi khi nằm ngủ nghiêng về bên trái hoặc bên phải. Tuy nhiên, nằm nghiêng và co chân là tư thế ngủ thoải mái nhất ở những tháng cuối của thai kỳ. Mẹ bầu có thể dùng gối ôm hoặc đặt một chiếc gối giữa hai đầu gối để thoải mái hơn.
Một số bác sĩ khuyên phụ nữ mang thai nên nằm ngủ nghiêng về bên trái bởi gan nằm ở vùng bụng bên phải và nằm nghiêng về bên trái giúp cơ quan này không bị tử cung chèn ép.
Tuy nhiên, nằm nghiêng về bên phải trong thời kỳ mang thai sẽ giúp tim hoạt động dễ dàng hơn vì tư thế này giúp tránh cho thai nhi chèn ép lên tĩnh mạch chủ dưới – tĩnh mạch đưa máu từ bàn chân và cẳng chân trở về tim, nhờ đó cải thiện lưu lượng máu đến thai nhi.
Người bị suy tim nên ngủ ở tư thế nào?
Những người bị suy tim nên hỏi bác sĩ về những tư thế ngủ cần tránh.
Nằm ngủ nghiêng về bên phải là một tư thế ngủ phù hợp cho những người bị suy tim. Mặc dù có ý kiến cho rằng nằm nghiêng về bên phải khi ngủ có thể cản trở sự lưu thông máu trở về tim nhưng chưa có đủ bằng chứng chứng minh tư thế ngủ này có hại.
Những người không bị ngưng thở khi ngủ và các vấn đề về hô hấp cũng có thể ngủ ở tư thế nằm ngửa.
Mặc dù nằm sấp giúp làm giảm tình trạng ngưng thở khi ngủ và ngủ ngáy nhưng lại có thể gây đau cổ hoặc đau lưng. Nếu không được điều trị, chứng ngưng thở khi ngủ sẽ làm tăng nguy cơ suy tim.
Đối với người có máy khử rung tim cấy ghép (ICD), nằm nghiêng về phía không có ICD sẽ thoải mái hơn. ICD đa phần được cấy ở ngực trái.
Nhiều người nhận thấy rằng nằm nghiêng với một chiếc gối hoặc chăn kê sau lưng hoặc nằm trên ghế ngả giúp cải thiện khả năng thở vào ban đêm.
Nếu bạn bị khó thở khi nằm thẳng thì hãy đi khám. Nếu như bị tích nước sau khi đặt ICD thì sẽ cần phải điều trị.
Kết luận
Mặc dù đã có nhiều nghiên cứu được thực hiện nhưng vẫn chưa thể đi đến kết luận tư thế ngủ nào có lợi nhất cho tim và sức khỏe tổng thể.
Nhiều người bị suy tim cảm thấy thoải mái hơn khi nằm ngủ nghiêng về bên phải.
Tuy nhiên, có một điều đã được nghiên cứu khoa học chứng minh, đó là ngủ không đủ giấc hoặc không ngon giấc sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và nhiều bệnh khác. Ngủ đủ giấc hàng ngày, bất kể ở tư thế nào, là điều quan trọng để có sức khỏe tim mạch tốt.

Bạn biết gì về hệ thống động mạch trong cơ thể?

Bệnh tim mạch ở nam giới có những triệu chứng và dấu hiệu gì khác so với nữ giới?