Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu có tác dụng gì?

Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu thuộc nhóm thuốc làm loãng máu. Mặc dù được gọi như vậy nhưng thực chất, những loại thuốc này không làm cho máu bị loãng. Thay vào đó, nhóm thuốc này giúp ngăn ngừa hoặc phá vỡ cục máu đông hình thành trong mạch máu hoặc tim. Nếu không được điều trị, cục máu đông có thể gây cản trở sự lưu thông máu và dẫn đến dẫn đến nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ.
Tác dụng của thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu
Cả thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu đều có tác dụng ngăn ngừa cục máu đông hình thành trong mạch máu nhưng hai loại thuóc có cơ chế tác dụng khác nhau.
Thuốc chống kết tập tiểu cầu can thiệp vào quá trình liên kết tiểu cầu – quá trình bắt đầu sự hình thành cục máu đông.
Thuốc chống đông máu tác động đến các protein trong máu tham gia vào quá trình đông máu. Các protein này được gọi là các yếu tố đông máu. Có nhiều loại thuốc chống đông máu và mỗi loại có tác động đến yếu tố đông máu khác nhau.
Danh sách thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu
Có nhiều loại thuốc chống đông máu, gồm có:
- heparin
- warfarin
- rivaroxaban
- dabigatran
- apixaban
- edoxaban
- enoxaparin
- fondaparinux
Các loại thuốc chống kết tập tiểu cầu phổ biến gồm có:
- clopidogrel
- ticagrelor
- prasugrel
- dipyridamole
- dipyridamole/aspirin
- ticlopidine
- eptifibatide
Chỉ định
Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu thường được sử dụng cho những người mắc các bệnh lý dưới đây:
- Bệnh tim mạch
- Vấn đề về lưu thông máu
- Rối loạn nhịp tim
- Dị tật tim bẩm sinh
Các bệnh lý này có thể khiến máu ứ đọng trong mạch máu và dẫn đến hình thành cục máu đông.
Bác sĩ cũng kê thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu cho những người đã phẫu thuật van tim.
Những người dùng warfarin cần phải xét nghiệm INR định kỳ. Đây là một xét nghiệm máu nhằm đánh giá thời gian đông máu (thời gian hình thành cục máu đông). Chỉ số INR sẽ cho biết nồng độ thuốc có đang ở mức phù hợp trong cơ thể hay không. Ngoài ra còn có thể phải thực hiện một số xét nghiệm khác, tùy vào loại thuốc sử dụng.
Tác dụng phụ của thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu
Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu đều có tác dụng phụ, trong đó có một số tác dụng phụ nghiêm trọng. Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu bạn gặp bất kỳ triệu chứng nào sau đây trong thời gian dùng thuốc:
- Dễ bầm tím
- Nước tiểu có màu đỏ hoặc hồng
- Phân lẫn máu hoặc trông giống bã cà phê
- Ra máu nhiều hơn bình thường trong kỳ kinh nguyệt
- Ngón chân có màu tím xanh
- Đau, thay đổi thân nhiệt hoặc xuất hiện các vùng thâm đen ở ngón tay, ngón chân, bàn tay hoặc bàn chân
Một số người có nguy cơ gặp tác dụng phụ cao hơn trong khi sử dụng các loại thuôc này và một số người không nên sử dụng thuốc. Những người bị rối loạn đông máu, đái tháo đường, tăng huyết áp, mất thăng bằng, suy tim sung huyết, bệnh gan hoặc thận cần cho bác sĩ biết trước khi sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu, nhất là warfarin. Warfarin có thể làm tăng nguy cơ xảy ra biến chứng của các bệnh lý này. Phụ nữ đang mang thai hoặc cho con bú không nên sử dụng warfarin vì loại thuốc này có thể làm tăng nguy cơ tử vong thai nhi và gây hại cho trẻ sơ sinh bú mẹ.
Sử dụng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu cùng với các loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng cũng có đặc tính làm loãng máu sẽ gây nguy hiểm. Vì vậy, cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (cả kê đơn lẫn không kê đơn) và thực phẩm chức năng đang dùng để bác sĩ kê loại thuốc phù hợp.
Lưu ý khi dùng thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu
Trong thời gian dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu, bạn nên thực hiện những điều dưới đây để đảm bảo an toàn:
- Trước khi bác sĩ kê thuốc để điều trị bất kỳ bệnh lý nào, hãy cho bác sĩ biết rằng bạn đang dùng thuốc chống đông máu hoặc thuốc chống kết tập tiểu cầu.
- Tránh các môn thể thao và hoạt động có thể gây thương tích. Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu khiến máu khó đông và khi bị thương sẽ khó cầm máu.
- Báo cho bác sĩ kê thuốc trước khi phẫu thuật hoặc thực hiện thủ thuật nha khoa, ví dụ hư nhổ răng. Thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu sẽ gây chảy máu nhiều và khó cầm máu khi phẫu thuật. Có thể bạn sẽ phải ngừng dùng thuốc một thời gian trước và sau ca phẫu thuật.
Rủi ro và tác dụng phụ của thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu có thể rất nghiêm trọng. Dùng thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ và báo ngay cho bác sĩ khi quên uống thuốc và khi gặp tác dụng phụ.

Đột quỵ xảy ra khi các tế bào não bị thiếu oxy do gián đoạn lưu thông máu đến một vùng não. Có nhiều loại thuốc được sử dụng trong điều trị đột quỵ, phụ thuộc vào loại đột quỵ và thời điểm mà người bệnh được cấp cứu.

Đột quỵ tiểu não xảy ra khi sự lưu thông máu đến tiểu não ở phía sau não bị gián đoạn. Điều này gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chuyển động và có thể đe dọa đến tính mạng.

Cả đột quỵ và phình động mạch não đều là những trường hợp cần cấp cứu y tế và có thể xảy ra đột ngột mà không có bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào nhưng hai tình trạng này có nhiều điểm khác biệt.

Đột quỵ là một tình trạng rất nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp. Đột quỵ xảy ra khi một mạch máu của não bị tắc nghẽn hoặc vỡ, làm gián đoạn sự lưu thông máu và tổn thương một phần não. Tình trạng gián đoạn lưu thông máu có thể xảy ra ở bất cứ mạch máu nào của não nhưng phổ biến nhất là ở động mạch não giữa.

Một số biện pháp tránh thai nội tiết có thể làm tăng nguy cơ đột quỵ. Ngoài ra còn nhiều yếu tố khác cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ đột quỵ.