Phân biệt triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ

Liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ đều ảnh hưởng đến hệ thần kinh và gây xệ nửa mặt.
Mặc dù liệt dây thần kinh số 7 cũng cần điều trị nhưng đây không phải vấn đề quá nghiêm trọng cần phải điều trị gấp. Trong khi đó, đột quỵ là một vấn đề có thể đe dọa đến tính mạng và cần được cấp cứu kịp thời.
Liệt dây thần kinh số 7 là gì?
Liệt dây thần kinh số 7 là một tình trạng khiến các cơ ở một bên mặt đột ngột ngừng hoạt động hay tê liệt tạm thời. Liệt dây thần kinh số 7 còn được gọi là liệt Bell hay liệt mặt.
Các triệu chứng phổ biến của liệt dây thần kinh số 7 gồm có:
- Không thể nhắm kín một mắt
- Chảy dãi từ một bên miệng
- Đau ở mặt, hàm hoặc sau tai
- Ở trạng thái nghỉ, khuôn mặt không cân xứng, bị lệch một bên, nếp nhăn trán ở bên bị liệt mờ đi, lông mày xệ xuống, mép bên bị liệt thấp hơn bên kia
- Tăng hoặc giảm tiết nước mắt
- Thay đổi vị giác
- Nhạy cảm với tiếng ồn
Liệt dây thần kinh số 7 khiến cho người bệnh khó biểu đạt cảm xúc và khó ăn uống.
Phân biệt triệu chứng liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Cả đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7 đều gây yếu cơ, tê và xệ ở một bên mặt. Nhưng tình trạng yếu cơ và tê do đột quỵ còn xảy ra trên cơ thể, chẳng hạn như một cánh tay hoặc chân.
Đột quỵ cũng có những các triệu chứng khác mà liệt dây thần kinh số 7 không có, chẳng hạn như:
- Mờ mắt
- Lú lẫn
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Mất khả năng phối hợp động tác
- Đi lại không vững
- Khó nói chuyện và khó hiểu lời nói của người khác
Các triệu chứng của đột quỵ và liệt dây thần kinh số 7 đều xảy ra đột ngột và không có dấu hiệu cảnh báo trước. Nếu nhận thấy những thay đổi bất thường thì tốt nhất nên đi khám ngay.
Nguyên nhân gây liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Liệt dây thần kinh số 7 là do vấn đề ở dây thần kinh sọ thứ 7. Đây là dây thần kinh điều khiển sự chuyển động của cơ mặt. Tuy nhiên, không phải khi nào cũng xác định được nguyên nhân khiến dây thần kinh này không hoạt động bình thường.
Đôi khi, dây thần kinh sọ thứ 7 bị tổn thương do nhiễm virus hoặc vi khuẩn từ những nơi khác trong cơ thể, ví dụ như virus mụn rộp (herpes), HIV hoặc vi khuẩn gây bệnh Lyme. Dây thần kinh sọ thứ 7 cũng có thể bị tổn thương do căng thẳng, thiếu ngủ hoặc các bệnh lý khác.
Loại đột quỵ phổ biến nhất là đột quỵ do thiếu máu cục bộ. Loại đột quỵ này xảy ra khi cục máu đông hoặc mảng xơ vữa gây tắc nghẽn mạch máu đến não, khiến cho sự lưu thông máu đến một vùng của não bị gián đoạn.
Tình trạng tắc nghẽn mạch máu có thể ảnh hưởng đến dây thần kinh sọ thứ 7 và cũng gây hiện tượng xệ nửa mặt giống như bệnh liệt Bell. Đột quỵ còn gây tổn hại các khu vực khác của não.
Các yếu tố nguy cơ gây liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ có chung một số yếu tố nguy cơ nhưng cũng có những yếu tố nguy cơ khác nhau.
Yếu tố nguy cơ | Liệt dây thần kinh số 7 | Đột quỵ |
Bệnh tiểu đường | ✓ | ✓ |
Cao huyết áp | ✓ | ✓ |
Nhiễm trùng đường hô hấp | ✓ | |
Béo phì | ✓ | ✓ |
Lối sống ít vận động | ✓ | |
Chế độ ăn uống không lành mạnh | ✓ | |
Tiền sản giật | ✓ | ✓ |
Mang thai | ✓ | ✓ |
Hút thuốc | ✓ |
Chẩn đoán liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Các bác sĩ sử dụng phương pháp chẩn đoán phân biệt (differential diagnosis) để xác nhận nguyên nhân gây liệt cơ mặt. Chẩn đoán phân biệt là một quá trình trong đó bác sĩ sẽ đặt câu hỏi và tiến hành các công cụ chẩn đoán để xác định nguyên nhân gây ra các triệu chứng và loại trừ các bệnh có triệu chứng tương tự.
Ví dụ, ngay cả khi nghi ngờ người bệnh bị liệt dây thần kinh số 7, bác sĩ vẫn sẽ tiến hành chẩn đoán phân biệt để loại trừ khả năng đột quỵ và ngược lại.
Sau khi hỏi về bệnh sử cũng như các triệu chứng và khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm sau:
- Chụp mạch máu
- Chụp CT hoặc MRI não
- Siêu âm tim
- Điện tâm đồ
- Đo điện cơ
- Chọc dò tủy sống
- Xét nghiệm máu
Điều trị liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Các loại thuốc chỉnh được sử dụng để điều trị liệt dây thần kinh số 7 gồm có:
- Steroid đường uống để giảm viêm
- Thuốc kháng virus để đẩy nhanh tốc độ hồi phục
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) để giảm đau
Các phương pháp điều trị khác gồm có thuốc nhỏ mắt, vật lý trị liệu, châm cứu và xoa bóp. Những trường hợp liệt dây thần kinh số 7 nghiêm trọng có thể phải phẫu thuật.
Việc điều trị đột quỵ phụ thuộc vào loại đột quỵ và mức độ nghiêm trọng.
Các phương pháp điều trị chính cho đột quỵ do thiếu máu cục bộ:
- Aspirin hoặc các thuốc làm loãng máu khác để làm tan cục máu đông
- Phẫu thuật loại bỏ cục máu đông
- Phẫu thuật mở nắp sọ giải chèn ép
Tiên lượng của người bị liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Liệt dây thần kinh số 7 có thể tự khỏi mà không cần điều trị nhưng điều trị sớm và đúng cách sẽ giúp tăng khả năng khỏi hoàn toàn.
Tiên lượng của mỗi một ca đột quỵ là khác nhau. Khả năng hồi phục hoàn toàn sau đột quỵ phụ thuộc vào thời gian người bệnh được cấp cứu kể từ khi khởi phát cơn đột quỵ. Tuổi tác và tình trạng sức khỏe trước khi bị đột quỵ cũng có ảnh hưởng đến tiên lượng.
Đột quỵ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng và thậm chí là tử vong. Một nghiên cứu vào năm 2019 đã thu thập thông tin y tế của gần 23.000 người ở Thụy Điển. Các tác giả nghiên cứu phát hiện ra rằng trong số những người bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ, gần 80% đã tử vong hoặc cần được chăm sóc dài hạn trong vòng 5 năm. (1)
Một số câu hỏi thường gặp về liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ
Liệt dây thần kinh số 7 có làm tăng nguy cơ đột quỵ không?
Các tác giả của một nghiên cứu tại Hàn Quốc vào năm 2021 đã báo cáo rằng những người bị liệt dây thần kinh số 7 có nguy cơ cao bị đột quỵ do thiếu máu cục bộ. (2)
Loại đột quỵ nào gây xệ nửa mặt?
Đột quỵ do thiếu máu cục bộ, đột quỵ xuất huyết não và cơn thiếu máu não thoáng qua (hay đột quỵ nhẹ) đều có thể gây xệ một bên mặt.
Những bệnh lý nào có triệu chứng giống liệt dây thần kinh số 7?
Các bệnh lý và tình trạng cũng có triệu chứng tương tự liệt dây thần kinh số 7:
- Đột quỵ
- U não
- Bệnh nhược cơ
- Bệnh Lyme
- Hội chứng Melkersson-Rosenthal (một căn bệnh hiếm gặp)
Tình trạng xệ nửa mặt sẽ kéo dài bao lâu sau khi bị đột quỵ?
Thời gian để khuôn mặt trở về bình thường sau cơn đột quỵ ở mỗi ca bệnh là khác nhau. Trong một số trường hợp, khuôn mặt trở về bình thường sau vài ngày đến vài tuần nhưng cũng có những trường hợp khuôn mặt bị thay đổi vĩnh viễn.
Tóm tắt bài viết
Cả liệt dây thần kinh số 7 và đột quỵ đều gây liệt cơ ở một bên mặt. Nhưng đột quỵ đa phần còn có các triệu chứng khác, chẳng hạn như yếu cơ ở một cánh tay hoặc chân, lú lẫn và khó nói.
Không giống như liệt dây thần kinh số 7, đột quỵ là một vấn đề rất nguy hiểm cần được cấp cứu kịp thời. Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức khi nhận thấy các dấu hiệu nghi là đột quỵ.

Hội chứng suy nút xoang là tình trạng nút xoang (bộ phận điều hòa nhịp đập của tim) không thể tạo ra nhịp tim phù hợp với nhu cầu của cơ thể. Tình trạng này dẫn đến rối loạn nhịp tim (nhịp tim bất thường). Hội chứng suy nút xoang còn được gọi là rối loạn chức năng nút xoang hay bệnh nút xoang.

Đột quỵ mắt xảy ra khi sự lưu thông máu đến võng mạc bị gián đoạn. Việc điều trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây gián đoạn lưu thông máu và mức độ nghiêm trọng của tình trạng tổn thương. Càng điều trị sớm thì tiên lượng càng khả năng.

Đột quỵ tiểu não xảy ra khi sự lưu thông máu đến tiểu não ở phía sau não bị gián đoạn. Điều này gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến chuyển động và có thể đe dọa đến tính mạng.

Đột quỵ và cơn co giật có nhiều dấu hiệu tương tự nhau, chẳng hạn như lú lẫn, ngã sang một bên và không phản ứng. Đột quỵ thường xảy ra đột ngột, trong khi cơn co giật có thể có giai đoạn cảnh báo.