Huyết áp bao nhiêu là bình thường? Bao nhiêu là cao?

Huyết áp là lực mà dòng máu tác động lên thành động mạch khi lưu thông khắp cơ thể.
Huyết áp cao, hay thuật ngữ y khoa là tăng huyết áp, là tình trạng mà dòng máu tác động lực quá lớn lên thành động mạch.
Khi đo huyết áp, kết quả gồm có hai chỉ số: chỉ số ở trên là huyết áp tâm thu, là áp lực trong động mạch khi tim co bóp và chỉ số ở dưới là huyết áp tâm trương, là áp lực trong động mạch khi tim giãn ra giữa các lẫn co bóp. Kết quả đo huyết áp được viết dưới dạng phân số với huyết áp tâm thu viết trước, phân cách bằng dấu “/”, đọc là [huyết áp tâm thu] trên [huyết áp tâm trương].
Huyết áp được đo bằng đơn vị milimét thủy ngân (mmHg). Ở người lớn, huyết áp từ 120/80 mmHg trở xuống được coi là bình thường (nghĩa là huyết áp tâm thu 120 mmHg và huyết áp tâm trương 80 mmHg).
Bài viết này sẽ nêu ra các mức huyết áp được coi là khỏe mạnh ở người lớn, trẻ em và phụ nữ mang thai, định nghĩa huyết áp cao ở các nhóm đối tượng khác nhau và các phương pháp kiểm soát huyết áp khi bị tăng huyết áp.
Huyết áp bao nhiêu là bình thường?
Cách duy nhất để biết chắc chắn bản thân có bị huyết áp cao hay không là đo huyết áp.
Huyết áp của người lớn được chia thành các mức như sau:
Mức huyết áp | Huyết áp tâm thu | Huyết áp tâm trương | |
Huyết áp bình thường | 120 mmHg trở xuống | và | 80 mmHg trở xuống |
Tiền tăng huyết áp | 120 – 129 mmHg | và | 80 mmHg trở xuống |
Tăng huyết áp độ 1 | 130 – 139 mmHg | hoặc | 80 – 89 mmHg |
Tăng huyết áp độ 2 | 140 mmHg trở lên | hoặc | 90 mmHg trở lên |
Cơn tăng huyết áp | 180 mmHg trở lên | hoặc | 120 mmHg trở lên |
Huyết áp cao gây ra nhiều tác hại cho sức khỏe. Theo thời gian, tình trạng huyết áp cao sẽ làm hỏng các cơ quan, bao gồm cả tim, thận và não.
Tuy nhiên, huyết áp cao không phải không có cách điều trị. Có nhiều cách để kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ biến chứng do huyết áp cao.
Triệu chứng của huyết áp cao
Huyết áp cao thường không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao tình trạng này thường được gọi là “kẻ giết người thầm lặng”. Và vì không có bất kỳ triệu chứng nào nên nhiều người không biết rằng mình bị huyết áp cao.
Tuy nhiên, phát hiện và điều trị sớm huyết áp cao là điều rất quan trọng vì tình trạng này sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, vấn đề về thận và nhiều bệnh lý khác.
Nếu huyết áp tăng lên mức quá cao, các triệu chứng sẽ xuất hiện. Các triệu chứng thường gặp gồm có
- Đau đầu
- Hụt hơi
- Chảy máu mũi
- Đau ngực
- Thay đổi thị lực, ví dụ như mắt mờ
- Chóng mặt
Các mức huyết áp ở người lớn
Mức huyết áp khỏe mạnh ở người lớn là 120/80 mmHg trở xuống. Vậy khi huyết áp cao hơn mức này thì sao?
Huyết áp tâm thu từ 120 đến 129 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg được coi là tiền tăng huyết áp. Tiền tăng huyết áp có nghĩa là huyết áp cao hơn bình thường nhưng chưa đến mức tăng huyết áp. Nếu không được kiểm soát, tiền tăng huyết áp sẽ tiến triển thành tăng huyết áp.
Nếu bị tiền tăng huyết áp, bạn cần thực hiện một số thay đổi trong lối sống, chẳng hạn như ăn ít muối, thực hiện chế độ ăn tốt cho tim mạch và tập thể dục thường xuyên để giảm nguy cơ tình trạng tiến triển thành tăng huyết áp.
Khi huyết áp tâm thu tăng lên 130 mmHg hoặc huyết áp tâm trương tăng lên 80 mmHg thì có nghĩa là bạn đã bị tăng huyết áp. Tăng huyết áp được chia thành các giai đoạn như sau.
Giai đoạn |
Huyết áp tâm thu | Huyết áp tâm trương |
Tăng huyết áp độ 1 | 130 – 139 mmHg | 80 – 89 mmHg |
Tăng huyết áp độ 2 | trên 140 mmHg | trên 90 mmHg |
Cơn tăng huyết áp | 180 mmHg trở lên | 120 mmHg trở lên |
Tăng huyết áp thường phải điều trị bằng thuốc kết hợp với thay đổi lối sống. Cơn tăng huyết áp là trường hợp cần phải cấp cứu.
Các mức huyết áp ở trẻ em
Huyết áp cao có thể xảy ra ở cả trẻ em, từ trẻ sơ sinh cho đến tuổi thanh thiếu niên. Không giống như ở người lớn, định nghĩa huyết áp khỏe mạnh ở trẻ em thay đổi theo theo độ tuổi, chiều cao và giới tính của trẻ.
Ở những trẻ có chiều cao ở mức trung bình so với độ tuổi (bách phân vị thứ 50), các phạm vi huyết áp khỏe mạnh như sau:
Tuổi | Bé trai | Bé gái |
1 – 3 | 85/37 – 91/46 mmHg | 86/40 – 89/49 mmHg |
4 – 6 | 93/50 – 96/55 mmHg | 91/52 – 94/56 mmHg |
7 – 10 | 97/57 – 100/61 mmHg | 96/57 – 102/60 mmHg |
Nếu huyết áp của trẻ cao hơn mức này, hãy cho trẻ đi khám để tìm ra nguyên nhân.
Các mức huyết áp ở phụ nữ mang thai
Huyết áp cao có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai. Theo một nghiên cứu, khoảng 8% phụ nữ bị tăng huyết áp khi mang thai.
Huyết áp bình thường trong thời kỳ mang thai là dưới 120/80 mmHg (huyết áp tâm thu dưới 120 mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80 mmHg). Huyết áp tâm thu trên 140 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 90 mmHg khi mang thai được coi là cao.
Tăng huyết áp khi mang thai được chia thành hai loại là:
- Tăng huyết áp mạn tính: tình trạng tăng huyết áp xảy ra từ trước khi mang thai hoặc trước tuần thứ 20 của thai kỳ.
- Tăng huyết áp thai kỳ: tăng huyết áp xảy ra sau tuần 20 của thai kỳ. Huyết áp thường trở về bình thường sau khi sinh.
Tăng huyết áp khi mang thai có thể dẫn đến nhiều vấn đề nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Do đó, nếu bị tăng huyết áp, mẹ bầu cần tuân thủ các khuyến nghị của bác sĩ để kiểm soát huyết áp và ngăn ngừa biến chứng.
Cách đo huyết áp
Quá trình khám sức khỏe tổng quát luôn có bước đo huyết áp nhưng bạn có thể tự đo đo huyết áp tại nhà để theo dõi huyết áp sát sao hơn.
Bạn có thể lựa chọn máy đo huyết áp cơ có vòng bít bơm hơi (giống như loại được sử dụng tại bệnh viện) hoặc máy đo huyết áp điện tử có chức năng bơm vòng bít tự động.
Đọc kỹ và làm theo hướng dẫn của sản phẩm để có kết quả đo chính xác.
Lưu ý, có một số yếu tố có thể làm tăng huyết áp tạm thời, ví dụ như:
- Căng thẳng, lo lắng
- Thời tiết lạnh
- Vừa mới vận động
- Hút thuốc
- Tiêu thụ caffeine
- Uống rượu bia
- Bàng quang đầy
Để có kết quả đo huyết áp chính xác:
- Đo huyết áp ở nơi yên tĩnh khi đang bình tĩnh.
- Không tập thể dục, hút thuốc, uống rượu bia hay caffeine ít nhất 30 phút trước khi đo huyết áp.
- Nên đo huyết áp tại nhiều thời điểm khác nhau trong ngày để biết phạm vi huyết áp.
Nên đo huyết áp bao lâu một lần?
Nếu huyết áp thường xuyên cao hơn bình thường, tốt hơn hết bạn nên đi khám để xác định nguyên nhân. Bác sĩ sẽ cho biết tần suất bạn nên đo huyết áp tại nhà.
Cho dù không bị tăng huyết áp thì vẫn nên đo huyết áp thường xuyên vì huyết áp có thể thay đổi theo thời gian. Các chuyên gia y tế khuyến nghị tần suất đo huyết áp như sau cho những người có nguy cơ thấp:
- Đối với người từ 18 đến 40 tuổi: Đo huyết áp ít nhất một lần sau mỗi 2 năm.
- Đối với người trên 40 tuổi: Đo huyết áp ít nhất một lần mỗi năm.
Bạn sẽ cần đo huyết áp thường xuyên hơn nếu:
- có tiền sử gia đình bị tăng huyết áp
- bị bệnh tim mạch, tiểu đường hoặc bệnh thận
- thừa cân hoặc béo phì
- mắc chứng ngưng thở khi ngủ hoặc mất ngủ
- hút thuốc lá
Bạn không nhất thiết phải đến bệnh viện hay các phòng khám để đo huyết áp. Rất nhiều hiệu thuốc có đo huyết áp miễn phí.
Biến chứng của huyết áp cao
Nếu không được điều trị và kiểm soát, tình trạng huyết áp cao sẽ dần làm hỏng mạch máu và các cơ quan, gồm có tim, thận, mắt và não.
Bệnh tăng huyết áp có thể dẫn đến các biến chứng như:
- Nhồi máu cơ tim
- Đột quỵ
- Phình động mạch
- Suy tim
- Suy thận
- Mất thị lực
- Suy giảm nhận thức và trí nhớ
Ở phụ nữ mang thai, các biến chứng của tăng huyết áp có thể làm tăng nguy cơ:
- Tiền sản giật
- Sản giật
- Sinh non
- Cân nặng khi sinh thấp
- Nhau bong non
Phương pháp chẩn đoán huyết áp cao
Bác sĩ sẽ đưa ra chẩn đoán tăng huyết áp khi hai hoặc nhiều lần đo huyết áp ở các thời điểm khác nhau đều cho kết quả cao.
Ở một số người, huyết áp chỉ tăng cao khi đo tại bệnh viện do tâm lý căng thẳng và khi đo tại nhà thì huyết áp lại bình thường. Tình trạng này gọi là tăng huyết áp áo choàng trắng. Nếu huyết áp ở mức cao, bác sĩ có thể sẽ đề nghị đo lại vào một hôm khác hoặc bạn cần đo huyết áp tại nhà để xem có phải bị tăng huyết áp hay không.
Nếu đo huyết áp tại nhà, hãy đo vào nhiều ngày. Nếu kết quả luôn cao (trên 120/80 mmHg) thì hãy đi khám lại.
Điều trị huyết áp cao
Tăng huyết áp thường phải điều trị bằng thuốc. Các nhóm thuốc chính gồm có:
- Thuốc lợi tiểu để loại bỏ lượng natri và nước dư thừa ra khỏi cơ thể
- Thuốc chẹn beta để kiểm soát nhịp tim và làm giãn mạch máu
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE) hoặc thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB) để ngăn mạch máu thu hẹp
- Thuốc chẹn kênh canxi để làm giãn các cơ xung quanh mạch máu và làm giảm nhịp tim
- Thuốc chẹn alpha 1 để ngăn chặn các chất làm co mạch máu
- Thuốc giãn mạch để làm giãn các cơ ở thành động mạch
- Thuốc chủ vận alpha 2 để mở rộng mạch máu
Nếu tăng huyết áp là do một bệnh lý khác gây nên (tăng huyết áp thứ phát) thì trước hết cần phải điều trị bệnh lý đó để đưa huyết áp về mức khỏe mạnh.
Ví dụ, chứng ngưng thở khi ngủ có thể gây tăng huyết áp. Rối loạn giấc ngủ này có thể điều trị bằng máy thở áp lực dương liên tục (CPAP). Kiểm soát được chứng ngưng thở khi ngủ sẽ giúp làm giảm huyết áp. Béo phì cũng là một nguyên nhân phổ biến gây tăng huyết áp. Ở người bị béo phì, giảm cân sẽ giúp giảm huyết áp.
Nếu tăng huyết áp không phải do một bệnh lý khác gây ra thì được gọi là tăng huyết áp nguyên phát hay tăng huyết áp vô căn. Phần lớn các ca tăng huyết áp là loại này. Tăng huyết áp nguyên phát không thể chữa khỏi và người bệnh sẽ phải dùng thuốc suốt đời để kiểm soát huyết áp.
Nếu bị tăng huyết áp và được bác sĩ kê thuốc, bạn cần dùng thuốc đều đặn và theo dõi huyết áp cẩn thận. Hãy báo cho bác sĩ nếu huyết áp vẫn cao dù đã dùng thuốc.
Phòng ngừa huyết áp cao
Những thay đổi lối sống giúp điều trị tăng huyết áp cũng giúp phòng ngừa tình trạng này:
- Chế độ ăn DASH (ăn nhiều rau củ quả, ngũ cốc nguyên hạt, protein nạc, hạn chế chất béo xấu, muối và đường)
- Giảm lượng natri (muối)
- Ăn nhiều kali
- Tập thể dục ít nhất 150 phút mỗi tuần
- Giảm cân nếu thừa cân và duy trì cân nặng khỏe mạnh
- Hạn chế rượu bia
- Bỏ thuốc lá (nicotine làm tăng huyết áp ngay tức thì và làm hỏng mạch máu theo thời gian)
- Giảm căng thẳng
- Ngủ đủ giấc (một nghiên cứu cho thấy những người bị ngủ ít hơn 6 tiếng mỗi đêm có nguy cơ bị tăng huyết áp cao hơn gấp 3 lần so với những người ngủ trên 6 tiếng mỗi đêm)
Rất khó ngăn ngừa tăng huyết áp trong thai kỳ một cách tuyệt đối nhưng có thể giảm thiểu nguy cơ bằng cách:
- duy trì cân nặng khỏe mạnh trước và sau khi mang thai
- thực hiện chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh
- tập thể dục nhẹ nhàng trong thời gian mang thai
Khi nào cần đi khám?
Hãy đi khám nếu đo huyết áp tại nhà và kết quả thường xuyên ở mức cao, đặc biệt là khi có các triệu chứng như:
- Mệt mỏi
- Buồn nôn
- Hụt hơi
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Đổ nhiều mồ hôi
- Vấn đề về thị lực
- Lú lẫn
- Đau ngực
- Máu trong nước tiểu
Những triệu chứng này có thể là dấu hiệu của biến chứng nghiêm trọng do tăng huyết áp hoặc các vấn đề nguy hiểm cần được điều trị khẩn cấp khác.
Tóm tắt bài viết
Huyết áp cao hay tăng huyết áp là khi dòng máu tạo ra áp lực lớn hơn bình thường lên thành động mạch. Huyết áp được thể hiện qua hai chỉ số là huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.
Huyết áp bình thường ở người lớn là 120/80 mmHg trở xuống. Khi huyết áp tâm thu cao hơn 120 mmHg hoặc huyết áp tâm trương trên 80 mmHg thì có nghĩa là tiền tăng huyết áp hoặc tăng huyết áp.
Khi huyết áp tâm thu 180 mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm trương 120 mmHg trở lên thì lúc này là cơn tăng huyết áp – một tình trạng nguy hiểm cần điều trị khẩn cấp.
Định nghĩa huyết áp khỏe mạnh ở trẻ em khác với người lớn và có sự khác biệt giữa phụ nữ mang thai và người không mang thai.
Vì huyết áp cao thường không có triệu chứng nên cách duy nhất để phát hiện tình trạng này là đo huyết áp.

Tăng huyết áp là bệnh chỉ bộc lộ rất ít hoặc không có triệu chứng. Do vậy mà đa số mọi người đều không hề biết mình bị bệnh trong suốt nhiều năm trời.

Natri (sodium) là một khoáng chất cần thiết cho cơ thể. Tuy nhiên, các tổ chức y tế khuyến cáo người trưởng thành khỏe mạnh chỉ nên tiêu thụ dưới 2.300mg natri (khoảng một thìa cà phê muối) mỗi ngày. Tiêu thụ nhiều natri có thể dẫn đến tăng huyết áp và các vấn đề sức khỏe khác.

Cao huyết áp, hay còn được gọi là tăng huyết áp, có thể góp phần gây rối loạn chức năng cương dương. Bên cạnh đó, một số loại thuốc dùng để điều trị cao huyết áp cũng có thể gây ra rối loạn cương dương.

Cao huyết áp hay tăng huyết áp được gọi là kẻ giết người thầm lặng vì lý do là thường không bộc lộ triệu chứng rõ rệt nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bệnh tim và đột quỵ. Đây là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên thế giới.

Chế độ ăn lành mạnh hàng ngày cũng là một cách để giữ huyết áp luôn ở mức ổn định bình thường.