Đánh trống ngực có phải triệu chứng mãn kinh không?

Đánh trống ngực có biểu hiện là tim đập nhanh hơn bình thường rất nhiều, gần giống như khi chạy bộ nhanh. Các biểu hiện khác là tim rung trong lồng ngực hoặc đập bỏ nhịp. Bạn có thể cảm nhận rõ nhịp đập của tim. Cảm giác này có thể lan từ ngực lên cổ và họng.
Ngoài đánh trống ngực, phụ nữ khi bước vào thời kỳ mãn kinh còn gặp phải các triệu chứng khác như:
- Bốc hỏa (cảm giác nóng bừng dữ dội, đột ngột ở phần trên cơ thể, kèm theo đổ mồ hôi và đỏ mặt)
- Đổ mồ hôi ban đêm
- Khô âm đạo
- Rối loạn kinh nguyệt, ra máu giữa kỳ kinh
- Tâm trạng thay đổi tiêu cực
- Khó ngủ
- Khô da và tóc
- Giảm trí nhớ
- Giảm ham muốn tình dục
Nguyên nhân gây đánh trống ngực
Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ hormone estrogen có sự dao động. Khi mãn kinh (sau 12 tháng không có kinh nguyệt), buồng trứng ngừng sản xuất estrogen. Sự thay đổi nồng độ estrogen có thể gây ra tình trạng đánh trống ngực.
Phụ nữ cũng có thể bị đánh trống ngực do thay đổi hormone vào những thời điểm khác trong đời, ví dụ như khi có kinh nguyệt hoặc mang thai.
Đánh trống ngực trong thời kỳ mãn kinh thường xảy ra trong cơn bốc hỏa. Nhịp tim có thể tăng từ 8 đến 16 nhịp/phút khi bị bốc hỏa.
Các nguyên nhân khác gây đánh trống ngực:
- Căng thẳng
- Tập thể dục cường độ cao
- Sử dụng caffeine, đồ uống có cồn hoặc nicotine
- Một số loại thuốc trị ho và cảm lạnh, thuốc xịt hen suyễn
- Sốt
- Rối loạn nhịp tim, chẳng hạn như rung nhĩ hoặc nhịp tim nhanh trên thất
- Cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức)
- Thuốc điều trị suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém)
- Đường trong máu hoặc huyết áp thấp
- Mất nước
Khi nào cần đi khám?
Nếu chỉ thi thoáng mới bị đánh trống ngực và mỗi lần chỉ kéo dài vài giây thì không cần phải đi khám. Nhưng hãy đi khám nếu tình trạng đánh trống ngực xảy ra thường xuyên, kéo dài hoặc tăng nặng theo thời gian. Đó có thể là dấu hiệu của bệnh lý về tim mạch cần điều trị.
Hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện khi bị đánh trống ngực kèm theo các triệu chứng sau:
- Hụt hơi
- Đau ngực
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
Phương pháp chẩn đoán nguyên nhân gây đánh trống ngực
Các phương pháp xác định nguyên nhân gây đánh trống ngực:
- Nghe tim
- Điện tâm đồ. Đo hoạt động điện trong tim thông qua các điện cực đặt trên ngực.
- Siêu âm tim. Sử dụng sóng âm để tạo ra hình ảnh của tim, qua đó giúp đánh giá cấu trúc và hoạt động của tim.
- Nghiệm pháp gắng sức. Nhịp tim được theo dõi trong khi người bệnh chạy bộ trên thảm lăn hoặc đạp xe đạp lực kế. Phương pháp này giúp kiểm tra xem hoạt động thể chất có gây đánh trống ngực hay không.
- Holter điện tâm đồ. Người bệnh đeo máy theo dõi nhịp tim trong một đến ba ngày. Máy sẽ ghi lại nhịp tim và qua đó, bác sĩ có thể phát hiện những bất thường.
- Máy ghi biến cố. Người bệnh đeo thiết bị theo dõi nhịp tim trong thời gian một tháng. Máy sẽ ghi lại nhịp tim tại thời điểm xảy ra đánh trống ngực.
Bạn nên đi khám bác sĩ sản phụ khoa nếu có các triệu chứng mãn kinh khác. Xét nghiệm nội tiết tố nữ sẽ cho biết có phải bạn đang trong thời kỳ mãn kinh hay không.
Đánh trống ngực trong thời kỳ mãn kinh có đáng lo không?
Đánh trống ngực trong thời kỳ mãn kinh thường chỉ là tạm thời. Nhịp tim sẽ trở lại bình thường sau khi kết thúc giai đoạn tiền mãn kinh.
Tuy nhiên, mãn kinh không có nghĩa là các vấn đề về tim sẽ kết thúc. Nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở phụ nữ tăng đáng kể sau khi mãn kinh.
Điều này là do hormone estrogen bảo vệ tim và mạch máu. Khi nồng độ estrogen sụt giảm, phụ nữ sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim và đột quỵ cao hơn. Ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn và hạn chế chất kích thích có thể giúp giảm nguy cơ.
Ở một số phụ nữ, đánh trống ngực là dấu hiệu cảnh báo của vấn đề về tim. Một nghiên cứu phát hiện ra rằng đánh trống ngực có liên quan đến tình trạng xơ vữa động mạch. Tình trạng này có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
>>> Tìm hiểu thêm: Nguyên nhân gây ra bệnh động mạch vành
Phòng ngừa đánh trống ngực
Để ngăn ngừa đánh trống ngực, hãy tránh những tác nhân khiến tim đập nhanh, chẳng hạn như:
- Cà phê, socola, nước ngọt có ga, nước tăng lực và các sản phẩm chứa caffeine khác
- Đồ ăn cay
- Rượu bia, nicotine và các chất kích thích khác
- Thuốc trị cảm lạnh có chứa pseudoephedrine
Giảm căng thẳng giúp duy trì nhịp tim ổn định. Một số biện pháp giảm căng thẳng:
- Hít thở sâu
- Tập yoga
- Thiền
- Massage
Nếu đánh trống ngực là do vấn đề về tim thì có thể cần dùng các loại thuốc như thuốc chẹn beta hoặc thuốc chẹn kênh canxi để duy trì nhịp tim bình thường.
Liệu pháp hormone thay thế giúp làm giảm các triệu chứng khó chịu vào thời kỳ mãn kinh như bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm và cả đánh trống ngực. Tuy nhiên, liệu pháp hormone thay thế lại có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đột quỵ, cục máu đông và ung thư vú. Bạn nên trao đổi với bác sĩ trước khi thử liệu pháp hormone thay thế.
Kể từ giai đoạn tiền mãn kinh, bạn cần phải chú ý hơn đến sức khỏe tim mạch. Để bảo vệ sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ mắc bệnh, bạn nên:
- Tập cardio ít nhất 5 ngày một tuần, mỗi ngày ít nhất 30 phút. Một số ví dụ về tập cardio là đi bộ, chạy bộ, đạp xe, bơi hoặc các bài tập tại chỗ.
- Ăn nhiều trái cây, rau củ, ngũ cốc nguyên hạt, cá và các sản phẩm từ sữa ít béo. Giảm lượng đường, muối, cholesterol và chất béo bão hòa trong chế độ ăn.
- Kiểm soát huyết áp, đường trong máu và cholesterol. Nếu được kê thuốc kiểm soát các tình trạng này thì cần phải dùng thuốc đều đặn.
- Duy trì cân nặng khỏe mạnh.
- Bỏ thuốc lá nếu hút

Một triệu chứng phổ biến xảy ra do sự thay đổi nội tiết tố trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh là các cơn đau.

Chóng mặt là một triệu chứng phổ biến ở những phụ nữ đang phải trải qua thời kỳ mãn kinh. Chóng mặt có thể xảy ra do những thay đổi trong cơ thể ở thời kỳ này hoặc cũng có thể là do quá trình lão hóa tự nhiên.

Khi đang dùng thuốc tránh thai thì các triệu chứng tiền mãn kinh có thay đổi gì không? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn có câu trả lời.

Đau nhức đầu là một vấn đề rất phổ biến mà bất cứ ai đều đã từng trải qua một vài lần. Có nhiều nguyên nhân gây đau đầu khác nhau và nguyên nhân gây đau đầu ở người này lại có thể giúp giảm đau ở người khác, ví dụ như caffeine. Tương tự, sự thay đổi nội tiết tố (hormone) cũng vậy,

Mặc dù một số nghiên cứu cho kết quả rất hứa hẹn nhưng đậu nành và chất isoflavone vẫn chưa được chính thức chứng minh là có thể điều trị các triệu chứng tiền mãn kinh.