1

Bong gân mắt cá chân: Dấu hiệu và cách điều trị

Bong gân mắt cá chân (hay “lật sơ mi”cổ chân, trật mắt cá chân) là tình trạng các dải mô (dây chằng) giữ xương mắt cá chân bị kéo giãn hoặc đứt.
Bong gân mắt cá chân: Dấu hiệu và cách điều trị Bong gân mắt cá chân: Dấu hiệu và cách điều trị

Dây chằng có vai trò giữ ổn định khớp và kiểm soát chuyển động của khớp. Bong gân mắt cá chân xảy ra khi các dây chằng ở mắt cá chân bị kéo giãn vượt quá phạm vi chuyển động bình thường. Hầu hết các trường hợp bong gân mắt cá chân đều xảy ra ở dây chằng nằm ở mặt ngoài của mắt cá chân.

Việc điều trị bong gân mắt cá chân tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Mặc dù đôi khi chỉ cần tự điều trị và dùng thuốc giảm đau không kê đơn là đủ nhưng vẫn nên đi khám để kiểm tra xem tình trạng bong gân mắt cá chân có nặng hay không và có phương pháp điều trị thích hợp.

Dấu hiệu bong gân mắt cá chân

Các dấu hiệu thường gặp của bong gân mắt cá chân gồm có:

  • Đau đớn, đặc biệt là khi đứng hoặc cử động bên chân bị bong gân
  • Đau khi chạm tay lên mắt cá chân
  • Sưng tấy
  • Bầm tím
  • Không thể đứng và đi lại
  • Nghe thấy tiếng rắc hoặc cảm nhận thấy khớp bị trật tại thời điểm cổ chân bị thương

Khi nào cần đi khám?

Mặc dù bong gân mắt cá chân có thể tự khỏi hoặc chỉ cần các phương pháp tự điều trị đơn giản nhưng vẫn nên đến bệnh viện khám nếu bị đau đớn và sưng tấy ở mắt cá chân và nghi ngờ bị bong gân. Bác sĩ sẽ đánh giá mức độ chấn thương. Nếu có các dấu hiệu và triệu chứng nặng thì rất có thể dây chằng đã bị tổn thương nghiêm trọng hoặc bị gãy xương mắt cá chân hoặc cẳng chân.

Nguyên nhân gây bong gân mắt cá chân

Bong gân mắt cá chân xảy ra khi khớp mắt cá chân di chuyển lệch ra khỏi phạm vi chuyển động bình thường, điều này khiến cho một hoặc nhiều dây chằng ở mắt cá chân bị kéo giãn, rách một phần hoặc hoàn toàn.

Một số nguyên nhân gây bong gân mắt cá chân gồm có:

  • Vấp ngã khiến mắt cá chân bị trẹo
  • Tiếp đất bằng chân sau khi nhảy xuống từ trên cao
  • Đi bộ hoặc tập thể dục trên bề mặt không bằng phẳng
  • Bị người khác dẫm vào chân

Các yếu tố nguy cơ

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bong gân mắt cá chân gồm có:

  • Chơi thể thao: Bong gân mắt cá chân là một chấn thương phổ biến trong thể thao, đặc biệt là các môn thể thao phải nhảy hoặc phải cử động bàn chân nhiều như bóng rổ, tennis, bóng đá và chạy bộ địa hình.
  • Bề mặt không bằng phẳng: Chạy bộ hay chơi thể thao trên bề mặt gồ ghề có thể làm tăng nguy cơ bong gân mắt cá chân.
  • Từng bị chấn thương mắt cá chân: Nếu đã từng bị bong gân mắt cá chân hoặc một dạng chấn thương mắt cá chân khác thì sẽ rất dễ tiếp tục bị bong gân trong tương lai.
  • Thể trạng kém: Cổ chân yếu hoặc kém linh hoạt sẽ dễ bị bong gân khi hoạt động thể chất.
  • Giày không phù hợp: Mang giày không vừa chân, đi giày cao gót hoặc không sử dụng giày thể thao khi chơi thể thao sẽ khiến mắt cá chân dễ bị chấn thương.

Biến chứng của bong gân mắt cá chân

Không điều trị bong gân mắt cá chân đúng cách, cử động lại mắt cá chân quá sớm sau khi bị bong gân hoặc bong gân cổ chân xảy ra liên tục có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Đau mắt cá chân mãn tính
  • Khớp mắt cá chân không ổn định
  • Viêm khớp cổ chân

Phòng ngừa bong gân mắt cá chân

Các cách giúp tránh bị bong gân mắt cá chân và giảm nguy cơ bong gân tái phát:

  • Khởi động kỹ trước khi tập thể dục hoặc chơi thể thao
  • Cẩn thận khi đi bộ, chạy bộ hoặc vận động trên bề mặt không bằng phẳng
  • Sử dụng nẹp hoặc đai hỗ trợ mắt cá chân nếu mắt cá chân yếu hoặc từng bị thương trước đây
  • Mang giày vừa chân
  • Chọn giày thể thao chất lượng tốt
  • Hạn chế đi giày cao gót
  • Không tham gia các môn thể thao không phù hợp với tình trạng sức khỏe
  • Tập các bài tập tăng cường sức mạnh và sự linh hoạt của cơ
  • Tăng tính ổn định cho khớp mắt cá chân, ví dụ như bằng các bài tập thăng bằng

Phương pháp chẩn đoán bong gân mắt cá chân

Trong quá trình thăm khám, bác sĩ sẽ kiểm tra mắt cá chân, bàn chân và cẳng chân của bệnh nhân. Bác sĩ sẽ ấn lên vùng xung quanh vết thương để kiểm tra các điểm đau và di chuyển bàn chân để đánh giá phạm vi chuyển động cũng như để xác định những tư thế gây đau đớn.

Nếu chấn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đề nghị thực hiện các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh sau để đánh giá chi tiết mức độ tổn thương dây chằng và loại trừ khả năng gãy xương:

  • Chụp X-quang: Một lượng nhỏ bức xạ đi qua cơ thể để tạo ra hình ảnh của xương mắt cá chân. Ảnh chụp X-quang giúp phát hiện gãy xương.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang hoặc hình ảnh 3D chi tiết của các cấu trúc mềm ở khu vực mắt cá chân, bao gồm cả dây chằng.
  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp CT giúp đánh giá chi tiết tình trạng xương khớp. Chụp CT sử dụng tia X tạo ra hình ảnh ở nhiều góc độ khác nhau và kết hợp các hình ảnh đó lại để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang hoặc hình ảnh 3D.
  • Siêu âm: Sử dụng sóng âm thanh để tạo ra hình ảnh động (thời gian thực). Những hình ảnh này giúp bác sĩ đánh giá tình trạng của dây chằng hoặc gân khi cử động bàn chân.

Điều trị bong gân mắt cá chân

Việc điều trị bong gân mắt cá chân tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của chấn thương. Mục đích điều trị là giảm đau đớn và sưng tấy, đẩy nhanh quá trình hồi phục dây chằng và khôi phục chức năng của mắt cá chân.

Tự điều trị

Nếu bị bong gân mắt cá chân nhẹ thì có thể tự điều trị bằng các cách dưới đây trong 2 - 3 ngày:

  • Nghỉ ngơi: Tránh các hoạt động gây đau, sưng tấy và khó chịu.
  • Chườm lạnh: Chườm đá hoặc túi chườm lạnh ngay lập tức trong vòng 15 đến 20 phút sau khi bị thương và lặp lại sau mỗi 2 đến 3 giờ. Những người bị bệnh lý về mạch máu, tiểu đường hoặc giảm cảm giác cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi chườm lạnh.
  • Quấn băng cổ chân: Điều này giúp giảm sưng tấy. Hãy quấn băng quanh cổ chân cho đến khi hết sưng nhưng không quấn quá chặt để máu có thể lưu thông bình thường. Bắt đầu quấn từ bàn chân lên đến cẳng chân.
  • Kê cao chân: Để giảm sưng, hãy giữ cho mắt cá chân ở cao hơn tim, đặc biệt là vào ban đêm. Trọng lực sẽ làm giảm sự tích tụ chất lỏng ở bàn chân và nhờ đó giảm sưng tấy.

Dùng thuốc

Thông thường, chỉ cần dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn như ibuprofen, naproxen sodium hoặc acetaminophen là đủ để kiểm soát cơn đau do bong gân mắt cá chân.

Dụng cụ hỗ trợ

Vì bong gân mắt cá chân gây đau đớn khi di chuyển nên bệnh nhân có thể sẽ phải dùng nạng cho đến khi cơn đau thuyên giảm. Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng bong gân mà bác sĩ sẽ đề nghị quấn băng hoặc đai quấn cổ chân để giữ ổn định khớp mắt cá chân. Những trường hợp bong gân nặng có thể phải bó bột hoặc dùng nẹp để cố định mắt cá chân cho đến khi liền lại.

Trị liệu

Sau khi đỡ sưng và đau, bệnh nhân nên bắt đầu thực hiện một số bài tập để khôi phục phạm vi chuyển động, sức mạnh, sự linh hoạt và tính ổn định của mắt cá chân. Tốt nhất nên đến gặp chuyên gia vật lý trị liệu để được hướng dẫn cách tập luyện cụ thể.

Các bài tập tăng cường khả năng thăng bằng và ổn định như đứng bằng một chân giúp các cơ mắt cá chân phối hợp tốt với nhau nhằm hỗ trợ khớp và ngăn ngừa bong gân tái phát.

Nếu bị bong gân mắt cá chân khi tập thể dục hoặc tham gia một môn thể thao, hãy hỏi bác sĩ về thời điểm có thể tập luyện trở lại. Bác sĩ sẽ thực hiện các bài kiểm tra khả năng vận động để xem mắt cá chân đã có thể cử động bình thường hay chưa.

Phẫu thuật

Nếu chấn thương không lành hoặc mắt cá chân vẫn không ổn định sau một thời gian dài vật lý trị liệu và tập luyện phục hồi chức năng, bệnh nhân có thể sẽ phải phẫu thuật. Ca phẫu thuật được thực hiện nhằm mục đích:

  • Sửa dây chằng bị tổn thương
  • Tái tạo dây chằng bằng mô lấy từ một dây chằng hoặc gân lân cận

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp bàn chân: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp bàn chân: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp bàn chân gây đau đớn và khó khăn khi đi lại cũng như vận động. Tình trạng này sẽ làm giảm chất lượng cuộc sống. Có nhiều loại viêm khớp có thể xảy ra ở bàn chân. Các phương pháp điều trị gồm có dùng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật.

Gãy mắt cá chân điều trị bằng cách nào?
Gãy mắt cá chân điều trị bằng cách nào?

Gãy mắt cá chân là một loại chấn thương ở xương. Gãy mắt cá chân có thể xảy ra khi bị bước hụt, té ngã hoặc do va đập trực tiếp ở mắt cá chân, chẳng hạn như tai nạn giao thông.

Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây