Kỹ thuật cấy tóc FUE - chiết từng cụm nang tóc

Cấy tóc FUE là gì?
Các bác sĩ cấy tóc thường áp dụng kỹ thuật cấy tóc FUE (chiết cụm nang tóc) bằng cách sử dụng một dụng cụ có hình trụ để thu lấy các cụm nang tóc riêng lẻ từ vùng sau đầu – lấy từng cụm nang trước khi tỉ mỉ cấy chúng vào các vùng bị hói hoặc vùng tóc thưa.
Mỗi cụm nang tóc (graft) chứa từ 1 đến 3 sợi tóc và khi được cấy xuống bác sĩ sẽ đảm bảo chúng được đặt góc theo đúng hướng mọc của tóc bạn. Kết quả đạt được sẽ tạo lại đường viền chân tóc tự nhiên cũng như kiểu mọc tóc vốn có của bạn. Vì sẹo để lại không rõ nên kỹ thuật thu lấy tóc FUE là lựa chọn lý tưởng cho những người đàn ông muốn để tóc thật ngắn sau phẫu thuật.
Phẫu thuật cấy tóc là một phương pháp lý tưởng để khắc phục chứng hói kiểu nam, một tình trạng gây ra do cả yếu tố di truyền lẫn hormon nam giới Dihydrotestosterone. Kiểu hói đầu này thường bắt đầu với tình trạng đường viền chân tóc phía trước co rút dần lên cho đến khi tạo ra một mảng hói ở đỉnh đầu. Với thực tế có đến một nửa nam giới bị rụng tóc ở mức độ nào đó ở độ tuổi 35 nên phục hồi tóc luôn là một chủ đề được bàn luận sôi nổi.
Theo Hiệp hội Phục hồi tóc Quốc tế (International Society of Hair Restoration) có 2 phương pháp thu lấy tóc trong phẫu thuật phục hồi tóc đó là:
- Cắt dải nang tóc (cấy tóc FUT), trong đó bác sĩ sẽ rạch một đường để lấy một dải nang tóc từ vùng da đầu phía sau
- Chiết từng cụm nang tóc (cấy tóc FUE).
Kỹ thuật FUE là lựa chọn phổ biến hơn – có lẽ là vì nó để lại sẹo không đáng chú ý, chỉ là những chấm nhỏ có thể dễ dàng được che đi khi tóc mọc lên.
Bác sĩ thường dùng phần phía sau đầu để lấy tóc cấy vì mật độ tóc ở vùng này thường khá tốt ở hầu hết bệnh nhân và có thể lấy được một lượng lớn nang tóc theo kỹ thuật FUE mà không làm thay đổi mật độ tóc ở vùng cho tóc này. Điều này rõ ràng sẽ phụ thuộc vào tổng số lượng cụm nang tóc được lấy và việc bệnh nhân để tóc ngắn đến mức nào. Ví dụ thu lấy 2000 cụm nang tóc theo kiểu FUE có thể sẽ rất đáng chú ý nếu để tóc quá ngắn.
Ưu và nhược điểm của kỹ thuật cấy tóc FUE
Ưu điểm
- Không giống như kỹ thuật cắt dải nang tóc (cấy tóc FUT), cấy tóc FUE sẽ không để lại đường sẹo ngang dài để phải che giấu đi, mặc dù vậy kỹ thuật này có thể tạo ra đến 2500 vết sẹo giống như những chấm nhỏ (đường kính 1 mm) nằm rải rác ở một vùng rộng, nhưng hầu như không thể phát hiện ra chúng khi tóc mọc ra. Chính vì lý do này nên thu lấy tóc bằng kỹ thuật FUE là phương pháp được khuyên dùng cho những người muốn để tóc thật ngắn hoặc những ai muốn cạo đầu hoặc cắt ngắn nhất có thể vào một ngày nào đó.
- Đây cũng là quy trình lý tưởng cho những người có lối sống bận rộn, năng động. Bạn sẽ có thể đi làm trở lại trong 1 hoặc 2 ngày sau khi thự hiện, tiếp tục tập luyện nhẹ nhàng trong 4 đến 7 ngày và trở lại các bài tập mạnh sau 10 ngày.
Nhược điểm
- Toàn bộ vùng cho tóc phải được cạo trước khi thực hiện quy trình – điều này không hấp dẫn đối với những người có mái tóc dài. Nhưng cũng có kỹ thuật FUE phiên bản “không cạo”, trong đó chỉ có những sợi tóc cho mới được cắt và để lại phần tóc còn lại xung quanh.
- Mặc dù sẹo từ kỹ thuật FUE ít gây chú ý hơn so với sẹo từ kỹ thuật FUT nhưng có đến 2500 chấm sẹo nhỏ cũng có thể rất đáng chú ý nếu bạn để tóc quá ngắn.
- Có mức giới hạn số lượng cụm nang tóc có thể thu lấy được – thường là chỉ giới hạn ở mức 2500 đơn vị nang để giảm thiểu sẹo.
- Nếu cả đầu bạn tóc đều mỏng – hiện tượng này phổ biến hơn ở phụ nữ (hoặc là do hóa trị liệu trước đó hoặc do các tình trạng khác) thì bạn có khể không đủ các cụm nang tóc khỏe mạnh có thể sống sót được để thu lấy từ vùng cho tóc. Điều này khiến cho kỹ thuật FUE này là lựa chọn tốt nhất cho những người bị hói thành đám, chẳng hạn như có đường viền chân tóc co rút hoặc hói ở vùng đỉnh đầu hoặc vùng thái dương. Vùng cho tóc cũng không nên là vị trí đang trong quá trình bị ít tóc dần, nghĩa là chúng cũng đang bị rụng.
- Vì FUE là một quá trình tốn nhiều công sức trong đó sẽ chiết tách từng sợi tóc một theo đúng nghĩa đen, nên một quy trình cấy tóc sử dụng 1000 đơn vị nang sẽ mất từ 4 đến 10 giờ đồng hồ. Trong khi đó một quy trình cần cấy hơn 2000 đơn vị nang có thể sẽ được chia ra thực hiện làm 2 lần. Nếu bạn yêu cầu cấy nhiều hơn mức này để phủ hết các vùng hói thì chuyển sang kỹ thuật FUT có thể sẽ là lựa chọn tốt hơn cho bạn.
Quá trình cấy tóc FUE diễn ra như thế nào?
Khi đã vào phòng khám bác sĩ, bạn sẽ được gây tê tại chỗ, vì thế quá trình thực hiện sẽ không thấy đau gì. Một số bệnh nhân sẽ ngủ, trong khi những người khác lại thức xem các chương trình tivi yêu thích của họ.
Trong quá trình cấy tóc bằng kỹ thuật FUE, bác sĩ sẽ thu lấy từng cụm nang tóc một từ vùng cho tóc. Hầu hết các bệnh nhân có khoảng 90 đến 100 cụm nang tóc trên 1cm2 ở vùng cho tóc. Một ca cấy 2000 cụm nang tóc sẽ cần một khoảng rộng tầm 1cm và dài 20cm.
Để bắt đầu bác sĩ sẽ cạo ngắn tóc ở vùng cho đi, chỉ để dài khoảng 1,5 mm. Tóc ở trên đỉnh đầu có thể để dài hơn một chút nhưng cắt ngắn sẽ giúp việc lấy một lượng lớn nang tóc trở nên dễ dàng hơn. Một lý do nữa để cắt ngắn tóc trước khi lấy đó là để cải thiện hiệu quả hoạt động của khoan hình trụ nhỏ được sử dụng để lấy các nang tóc và mô xung quanh: nếu máy khoan này không hướng thẳng vào đúng nang tóc nó có thể cắt đứt phần dưới của nang tóc.
Bác sĩ sẽ tiêm thuốc gây tê vào vùng điều trị để giúp quy trình thực hiện ít đau nhất có thể. Sau đó họ sử dụng một máy khoan có đầu rộng từ 0,8 mm đến 1 mm và những cây kẹp nhỏ để lấy các phần da đầu nang tóc nhỏ, mà sau này sẽ được tách ra và cấy vào các lỗ hoặc khe nhỏ trên da đầu ở vùng nhận tóc. Ngay sau khi lấy, bác sĩ sẽ nhúng các cụm nang tóc vào một dung dịch đặc biệt để bảo quản chúng.
Ở vùng nhận tóc, bác sĩ sẽ tạo các khe siêu nhỏ và đặt từng cụm nang tóc vào. Các đường rạch tạo khe để đặt tóc sẽ định rõ góc và hướng mọc của tóc đúng theo góc và hướng mọc của các sợi tóc hiện tại.
Lưu ý về kỹ thuật thu lấy tóc FUE bằng Neograft và các thiết bị robot khác?
Một số bác sĩ sử dụng các thiết bị cấy tóc bằng robot như NeoGraft để lấy các nang tóc theo kiểu FUE. Cần lưu ý rằng hãng sản xuất NeoGraft cũng cung cấp các kỹ thuật viên cho thuê trong ngày, vì vậy thiết bị này đôi khi được bán cho các bác sĩ như một cách để ủy thác quy trình phẫu thuật cấy tóc FUE cho họ.
Theo Hiệp hội Phẫu thuật Phục hồi Tóc Quốc tế, tổ chức bác sĩ lớn nhất thế giới chuyên thực hiện các quy trình cấy tóc, có hơn một nửa các ca phục hồi tóc được thực hiện vào năm 2016 là áp dụng kỹ thuật FUE. Càng ngày bạn sẽ càng thấy những quy trình này được thực hiện bởi các kỹ thuật viên thay vì các bác sĩ, nhất là khi quy trình có sử dụng các thiết bị độc quyền. Các chuyên gia nói rằng bạn sẽ đạt được kết quả tốt nhất với một bác sĩ có giấy phép hành nghề được đào tạo chuyên sâu về phẫu thuật phục hồi tóc.
Quá trình phục hồi sau cấy tóc FUE
Thường thì các bệnh nhân sẽ cần hạn chế hoạt động từ vài ngày đến 1 tuần sau khi thực hiện quy trình cấy tóc FUE. Quá trình hồi phục khá nhanh, nhưng cũng cần 10 ngày để vùng cho tóc trông hoàn toàn lành lại.
Trong khi đó vùng cho tóc sẽ đóng vảy và trông có thể hơi hồng hồng như cháy nắng trong khoảng 1 tuần sau đó. Với quy trình cấy tóc FUE đòi hỏi cạo toàn bộ vùng cho tóc thì sẽ cần khoảng 2 tuần để tóc mọc lên trông giống như được cắt ngắn.
Bác sĩ sẽ cung cấp cho bạn những hướng dẫn cụ thể về cách gội đầu cũng như chăm sóc tóc trong quá trình phục hồi và bạn sẽ cần tuân thủ nghiêm ngặt theo những hướng dẫn này để đảm bảo đạt được kết quả tốt nhất. Hầu hết các bác sĩ đều khuyên nên đợi 48 tiếng sau khi cấy rồi mới gội đầu, chỉ nhẹ nhàng làm sạch chứ không gãi hay chà xát da đầu. Và thay vì để đầu trực tiếp dưới vòi hoa sen xịt mạnh, hãy giảm áp lực từ vòi sen, thậm chí nên dùng cốc múc nước đổ lên đầu khi gội trong tuần đầu tiên.
Dưới đây là hướng dẫn về các mốc thời gian bạn có thể trở lại hoạt động bình thường (để đạt được kết quả tốt nhất hãy chú ý đến lời khuyên của bác sĩ)
- Sau 3 ngày: trở lại các hoạt động bình thường và tập luyện nhẹ như đi bộ và tập yoga nhẹ nhàng.
- Sau 7 ngày: trở lại các bài tập ở mức trung bình nhưng không được làm tăng nhịp tim hoặc khiến bạn bị đổ mồ hôi. Da đầu có thể rất nhạy cảm sau khi cấy tóc và việc bị đổ mồ hôi quá nhiều có thể gây kích ứng và làm tổn hại đến các nang tóc mới cấy.
- Sau 10 ngày: Trở lại các hoạt động bơi lội, tập cardio, chạy bộ, nâng tạ, và hầu hết các hoạt động khác mà bạn muốn.
Khi nào thấy được kết quả cấy tóc FUE và kết quả sẽ giữ được trong bao lâu?
Nếu được thực hiện chính xác, quy trình cấy tóc sẽ mang lại cho bạn mái tóc tự nhiên với đường viền chân tóc được che kín không bị co rút, nhưng sẽ phải mất một thời gian để tóc mới phát triển. Quan trọng phải hiểu rằng phần lớn những nang tóc mới được cấy sẽ bị rụng đi trong giai đoạn được gọi là giai đoạn ngủ nghỉ (anagen effluvium) trong 3 đến 8 tuần đầu. Thường tình trạng này xảy ra mạnh mẽ trong khoảng từ tuần thứ 3 đến tuần thứ 4.
Tóc sẽ mọc trở lại khoảng 2 đến 4 tháng sau phẫu thuật. Ban đầu tóc mới mọc sẽ là những sợi tóc tơ mảnh hơn, sau đó sẽ tiếp tục phát triển trở nên dày và to hơn. Cuối năm đầu tiên, những sợi tóc mới sẽ chắc khỏe như những sợi tóc tự nhiên khác của bạn.
Giai đoạn ngủ nghỉ này (ở giữa thời gian phẫu thuật và thời điểm phát triển tóc mới) thường kéo dài khoảng 2 đến 3 tháng. Tuy nhiên không phải tất cả tóc đều mọc lên một lúc vì mỗi sợi tóc có 3 chu kỳ tăng trưởng và sẽ phát triển theo chu kỳ riêng của nó. Sau đó tóc mới sẽ mọc lên với tốc độ tương đương với những sợi tóc tự nhiên không được cấy, tức là sẽ dài ra khoảng hơn 1cm mỗi tháng.
Theo các bác sĩ, như kinh nghiệm thực tế thì khoảng 50% tóc cấy mọc lên vào thời điểm 5 tháng, 80% mọc lên vào thời điểm 8 tháng và kết quả cuối cùng sẽ thấy vào thời điểm 12 đến 24 tháng.
Rủi ro và tác dụng phụ tiềm ẩn từ quy trình cấy tóc FUE?
Các tác dụng phụ thường gặp bao gồm sưng, đau, ngứa, tê da đầu, tóc mọc ngược và có vảy hình thành ở vùng da đầu lấy tóc hoặc cấy tóc. Và mặc dù nhẹ không đáng kể nhưng bất kỳ quy trình nào cũng có nguy cơ nhiễm trùng nếu bạn không tuân theo các hướng dẫn chăm sóc hậu phẫu của bác sĩ.
Theo bác sĩ Tâm, rủi ro chính với hình thức phẫu thuật này đó là chảy máu quá nhiều và nhiễm trùng. Do đó trước khi phẫu thuật và trong vài ngày đầu sau phẫu thuật bệnh nhân nên tránh tất cả các loại thuốc có khả năng làm loãng máu để tránh bị chảy máu quá nhiều ở da đầu.
Cấy tóc FUE giá bao nhiêu?
Mức chi phí sẽ khác nhau tùy theo kinh nghiêm chuyên môn của bác sĩ, địa điểm thực hiện cũng như số lượng nang tóc cần cấy. Tuy nhiên cũng như với bất kỳ quy trình thẩm mỹ nào, chi phí chỉ là một yếu tố cần xem xét. Khả năng chuyên môn và uy tín của bác sĩ cũng như các điều khoản về an toàn, sự lưu ý của bác sĩ đến đặc điểm của từng bệnh nhân và kết quả là tất cả những yếu tố quan trọng cần cân nhắc.
Khi chọn bác sĩ phẫu thuật hãy xem ít nhất 10 bộ ảnh trước và sau phẫu thuật của khách hàng của họ, trong đó chụp rõ cả đường viền chân tóc và vùng cho tóc. Ngoài ra cũng yêu cầu được nói chuyện với 5 bệnh nhân cũ của bác sĩ, những người sẵn sàng chia sẻ về trải nghiệm của họ với bạn.
Các phương pháp thay thế phẫu thuật cấy tóc FUE?
Cấy tóc FUE thực sự là đề cập đến phương pháp thu lấy tóc. Vì nhu cầu và mục tiêu của mỗi bệnh nhân mỗi khác nên sẽ có những lợi ích và hạn chế đối với phương pháp này. Mỗi bệnh nhân nên chọn một bác sĩ thực hiện tất cả các phương pháp phục hồi tóc khác nhau để họ có thể đưa ra những ý kiến và khuyến nghị không mang tính chủ quan, áp đặt. Điểm quan trọng mấu chốt là phải chọn đúng bác sĩ và yêu cầu họ đề xuất quy trình phù hợp với mình. Giống như khi chọn một nhà hàng vậy, bạn sẽ không chọn dựa trên việc nhà hàng đó nấu ăn bằng bơ hay bằng dầu hay họ dùng loại dao gì để nấu ăn, mà bạn sẽ chọn dựa trên việc ai là đầu bếp ở đó.
Ngoài phẫu thuật cấy tóc bạn có thể xem xét một số lựa chọn khác để điều trị rụng tóc như:
- Liệu pháp laser cường độ thấp (LLLT): một số thiết bị LLLT dùng tại nhà như HairMax và CapillusPro được FDA phê duyệt vì sự an toàn nhưng không phải vì tính hiệu quả. Bạn sẽ cần dùng chúng vài lần một tuần để kích thích mọc tóc và chúng sẽ cần 6 tháng để phát huy hiệu quả cộng với việc bạn sẽ phải tiếp tục sử dụng để duy trì kết quả. Một nghiên cứu của Trường Y thuộc Đại học Miller cho thấy những thiết bị này khá an toàn và hiệu quả.
- Tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) trị rụng tóc: phương pháp này được thực hiện bằng cách tiêm tiểu cầu nồng độ cao dồi dào các yếu tố tăng trưởng và protein từ chính máu của bệnh nhân để kích thích mọc tóc. Nhưng bệnh nhân cần điều trị lặp lại mỗi 4 – 6 tháng (hoặc thường xuyên hơn với các hệ thống PRP nhất định) để duy trì kết quả.
- Thuốc Rogaine: kem bôi tại chỗ không kê đơn này có chứa minoxidil giúp phát triển nang tóc đồng thời kéo dài giai đoạn mọc tóc. Bạn sẽ thấy cải thiện được 25% trong 3 tháng và nhiều hơn nữa khi tiếp tục sử dụng. Tuy nhiên một khi đã ngừng sử dụng bạn sẽ mất tất cả những lợi ích đạt được.
- Thuốc Propecia: Loại thuốc kê đơn hàng ngày này ngăn chặn chuyển hóa testosteron thành DHT – một loại hormone nam góp phần gây rụng tóc. Còn có tên gọi là Finasteride, loại thuốc này được kê cho phụ nữ mãn kinh để đẩy lùi tình trạng hói đầu thành đám. Phải mất 3 tháng để tạo nên khác biệt và bạn sẽ cần tiếp tục sử dụng để duy trì mái tóc mới đã mọc.
- Công nghệ vi sắc tố da đầu (Scalp micropigmentation) là quá trình xăm hình tạo ra một loạt các chấm nhỏ ở vùng hói đầu để “ngụy trang” cho da đầu.
Tham vấn y khoa: Bác sĩ Tâm

Những người quan tâm đến cấy tóc và đang tìm kiếm thông tin có thể biết rằng có hai loại cấy tóc, cấy tóc FUE và cấy tóc FUT, và bạn có thể tự hỏi sự khác biệt giữa cấy tóc FUE và FUT là gì? Cấy tóc loại nào tốt hơn? Và tiêu chí để lựa chọn là gì?

Có nhiều biện pháp, cả xâm lấn và không xâm lấn, có thể được áp dụng để đánh giá tình trạng rụng tóc ở bệnh nhân.

Rụng tóc từng mảng là kiểu tóc rụng đột ngột từng cụm tròn, tạo ra các mảng da đầu nhẵn không sẹo.

Kỹ thuật cấy tóc FUT lấy một dải da và tóc ở vùng chẩm sau đầu để cấy vào vùng bị rụng tóc, giúp lấy lại vĩnh viễn mái tóc dày đẹp sau 6-12 tháng.

Khi tìm hiểu về phẫu thuật cấy tóc, người đọc có thể bắt gặp một số từ khóa mới lạ, dễ gây nhầm lẫn và khiến người đọc khó tiếp cận thông tin. Một số cụm từ xuất hiện với tần suất cao là nang tóc, sợi tóc, mảnh ghép, cụm nang tóc. Vậy phải hiểu những cụm từ này như thế nào cho đúng?
- 14 trả lời
- 2950 lượt xem
Kỹ thuật cấy tóc nào tốt hơn: FUE hay Strip/ FUT?
- 5 trả lời
- 973 lượt xem
Tôi là nữ 30 tuổi, đang cân nhắc làm phẫu thuật hạ đường chân tóc vì trán của tôi quá cao (như hình). Tôi muốn hạ 1-1,5 cm. Tôi không biết mình nên chọn phương pháp nào: FUT hay FUE? Cách nào giúp tóc mọc nhiều hơn và cho kết quả vĩnh viễn? Cách nào tạo ra vùng tóc có mật độ dày hơn? Cách nào tạo ra đường chân tóc tự nhiên hơn? Tôi có thể mang thai sau cấy tóc không? Có phải tôi sẽ phải sử dụng những loại dầu gội đầu/thuốc đặc biệt gì đó trong một năm sau phẫu thuật không?
- 17 trả lời
- 5201 lượt xem
Tôi 24 tuổi. Cách đây 1 tuần tôi đã cấy 3000 sợi tóc. Tối nay khi gội đầu và lấy ngón tay xoa nhẹ nhàng theo cách bác sĩ khuyên, tôi đã rất kinh hãi khi thấy tay mình dính một vài vảy giống như những nang tóc. Chúng có cùng kích thước và cũng có tóc trong đó. Liệu có phải tôi đã nhổ một vài nang tóc lên không? Ngoài ra, đầu tôi vẫn còn đầy vảy sau 7 ngày, như vậy có bình thường không? Liệu có phải vảy lành nhanh hơn không? Những vết nứt trên đầu tôi có bình thường không?
- 4 trả lời
- 889 lượt xem
Tôi đã thực hiện ca cấy tóc đầu tiên khoảng 16 ngày trước, tôi bắt đầu chạm vào tóc đã cấy với nhiều lực hơn vào đêm hôm qua khi tôi bắt đầu cảm thấy gàu/da chết/thứ gì đó bám vào bên dưới. Hôm nay trong lúc tắm, tôi ngâm tóc trong 15-20 phút, và nhẹ nhàng “chà xát” (đa phần vảy bong ra có tóc trong đó). Tôi không chảy máu, nhưng da đầu hơi đỏ do chà xát (hết đỏ ngay trong 10 phút). Tôi lo thứ rụng ra là nang tóc nhưng tôi không dám chắc. Cảm ơn các bác sĩ.
- 4 trả lời
- 880 lượt xem
Chào các bác sĩ, đã có bác sĩ nào chỉ cấy 1000-1500 cụm nang tóc cho bệnh nhân bị hói độ 6 chỉ vì tóc ở vùng đằng sau đầu quá thưa không. Nếu có thể, mong các bác sĩ đăng kèm ảnh trước và sau phẫu thuật.





