1

Viêm cột sống dính khớp

Viêm cột sống dính khớp (ankylosing spondylitis) là tình trạng viêm xảy ra ở cột sống khiến cho một số đốt sống hợp nhất theo thời gian. Sự hợp nhất này làm cho cột sống kém linh hoạt và có thể dẫn đến gù lưng. Viêm cột sống dính khớp có thể ảnh hưởng đến xương sườn và khiến cho bệnh nhân khó hít thở sâu.

Tỷ lệ viêm cột sống dính khớp ở nam giới cao hơn so với phụ nữ. Các dấu hiệu và triệu chứng thường bắt đầu xuất hiện ở đầu độ tuổi trưởng thành (20 – 35 tuổi). Tình trạng viêm cũng có thể xảy ra ở các bộ phận khác của cơ thể mà phổ biến nhất là mắt.

Hiện không có cách chữa khỏi bệnh viêm cột sống dính khớp nhưng các phương pháp điều trị có thể giúp làm giảm các triệu chứng và làm chậm sự tiến triển của bệnh.

Triệu chứng viêm cột sống dính khớp

Các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu của viêm cột sống dính khớp là đau và cứng ở lưng dưới và hông, đặc biệt là vào buổi sáng và sau khi ngồi lâu một chỗ. Đau cổ và mệt mỏi cũng là những triệu chứng rất phổ biến của viêm cột sống dính khớp. Các triệu chứng có thể nặng dần theo thời gian hoặc có những giai đoạn tăng nặng và giai đoạn thuyên giảm xảy ra đan xen. Khoảng thời gian kéo dài mỗi giai đoạn này không đều nhau.

Tình trạng viêm thường xảy ra ở:

  • Khớp giữa xương cùng và xương chậu
  • Các đốt sống ở lưng dưới
  • Điểm bám của các gân và dây chằng với xương, chủ yếu là ở cột sống nhưng đôi khi xảy ra dọc theo gót chân.
  • Sụn giữa xương ức và xương sườn
  • Khớp hông và khớp vai

Khi nào cần đi khám?

Nên đi khám nếu bị đau ở vùng thắt lưng hoặc cơn đau mông đến từ từ, nặng hơn vào buổi sáng hoặc đau dữ dội sau nửa đêm, đặc biệt là nếu cơn đau giảm khi vận động và tăng lên khi nghỉ ngơi. Đi khám mắt ngay lập tức nếu mắt bị đau, đỏ, nhạy cảm với ánh sáng nghiêm trọng hoặc nhìn mờ.

Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp

Nguyên nhân gây viêm cột sống dính khớp chưa được xác định rõ nhưng có thể là do các yếu tố di truyền. Đặc biệt, những người mang gen HLA-B27 có nguy cơ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp rất cao. Tuy nhiên, không phải ai mang gen này cũng bị viêm cột sống dính khớp.

Các yếu tố nguy cơ

Nam giới có nguy cơ mắc bệnh viêm cột sống dính khớp cao hơn phụ nữ. Bệnh thường khởi phát ở cuối độ tuổi vị thành niên hoặc đầu độ tuổi trưởng thành. Hầu hết những người bị viêm cột sống dính khớp đều mang gen HLA-B27 nhưng không phải ai mang gen này cũng bị viêm cột sống dính khớp.

Biến chứng của viêm cột sống dính khớp

Ở những người bị viêm cột sống dính khớp nghiêm trọng, xương mới hình thành do phản ứng tự chữa lành của cơ thể. Xương mới này dần dần thu hẹp khoảng cách giữa các đốt sống và cuối cùng làm cho các đốt sống dính liền. Những phần cột sống bị dính khớp trở nên cứng và không còn linh hoạt. Tình trạng đốt sống dính liền còn làm cứng khung xương sườn, dẫn đến hạn chế dung tích và chức năng của phổi.

Các biến chứng khác của viêm cột sống dính khớp còn có:

  • Viêm mắt (viêm màng bồ đào): Đây là một trong những biến chứng thường gặp của bệnh viêm cột sống dính khớp. Viêm màng bồ đào gây đau mắt, nhạy cảm với ánh sáng và mờ mắt. Đi khám ngay khi xuất hiện các triệu chứng này.
  • Gãy nén đốt sống: Xương trở nên suy yếu ở giai đoạn đầu của bệnh viêm cột sống dính khớp. Các đốt sống bị suy yếu sẽ bị nén ép hoặc sụp xuống, khiến cho người bệnh luôn phải gập người về phía trước. Gãy nén đốt sống có thể chèn ép và làm tổn thương tủy sống cũng như các dây thần kinh đi qua cột sống.
  • Bệnh tim mạch: Viêm cột sống dính khớp có thể gây ra các vấn đề ở động mạch chủ - động mạch lớn nhất trong cơ thể. Động mạch chủ bị viêm có thể giãn ra đến mức làm biến dạng van động mạch chủ trong tim và làm suy giảm chức năng của van. Tình trạng viêm đi kèm bệnh viêm cột sống dính khớp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Phương pháp chẩn đoán viêm cột sống dính khớp

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ yêu cầu bệnh nhân gập người về các hướng khác nhau để kiểm tra phạm vi chuyển động của cột sống, sau đó ấn lên các vị trí ở vùng chậu hoặc di chuyển chân của bệnh nhân để kiểm tra các điểm đau. Bệnh nhân cũng sẽ được yêu cầu hít thở sâu để bác sĩ kiểm tra xem lồng ngực có khả năng mở rộng bình thường hay không.

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

  • Chụp X-quang: cho thấy những thay đổi ở khớp và xương, mặc dù bệnh viêm cột sống dính khớp có thể không biểu hiện triệu chứng rõ rệt ở giai đoạn đầu.
  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh chi tiết của xương và mô mềm. Chụp MRI giúp phát hiện viêm cột sống dính khớp sớm hơn.

Các xét nghiệm

Không có xét nghiệm nào có thể chỉ ra viêm cột sống dính khớp. Một số xét nghiệm máu giúp phát hiện chất chỉ điểm phản ứng viêm nhưng phản ứng viêm có thể là do rất nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau gây ra chứ không riêng gì viêm cột sống dính khớp.

Xét nghiệm máu còn giúp phát hiện gen HLA-B27. Tuy nhiên, nhiều người mang gen HLA-B27 nhưng không mắc bệnh viêm cột sống dính khớp trong khi lại có những người mắc bệnh dù không mang gen này.

Điều trị viêm cột sống dính khớp

Mục đích của các phương pháp điều trị là giảm đau, cứng cột sống và ngăn ngừa hoặc trì hoãn các biến chứng như biến dạng cột sống. Tốt nhất nên điều trị trước khi bệnh gây ra những tổn hại không thể phục hồi.

Dùng thuốc

Thuốc chống viêm không steroid (NSAID) như naproxen và ibuprofen là những loại thuốc được sử dụng phổ biến nhất để điều trị viêm cột sống dính khớp. Nhóm thuốc này giúp giảm viêm, đau và cứng khớp nhưng lại có thể gây tác dụng phụ là xuất huyết tiêu hóa.

Nếu thuốc chống viêm không steroid không hiệu quả, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc ức chế yếu tố hoại tử khối u (TNF) hoặc thuốc ức chế interleukin-17 (IL-17). Các loại thuốc này được tiêm dưới da hoặc qua đường tĩnh mạch. Cả thuốc ức chế TNF và thuốc ức chế IL-17 đều có tác dụng phụ là có thể gây tái phát bệnh lao phổi và làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

Một số thuốc ức chế TNF gồm có:

  • Adalimumab
  • Certolizumab pegol
  • Etanercept
  • Golimumab
  • Infliximab

Các thuốc ức chế IL-17 được sử dụng để điều trị viêm cột sống dính khớp gồm có secukinumab và ixekizumab.

Vật lý trị liệu

Vật lý trị liệu là một phần quan trọng trong quá trình điều trị viêm cột sống dính khớp. Vật lý trị liệu mang lại nhiều lợi ích, từ giảm đau cho đến cải thiện sức mạnh và sự linh hoạt của khớp. Chuyên gia trị liệu sẽ thiết kế các bài tập phù hợp với tình trạng của từng người nhưng quá trình trị liệu thường gồm có các bài tập:

  • Giãn cơ và cải thiện phạm vi chuyển động của khớp
  • Tăng cường sức mạnh cho cơ bụng và cơ lưng
  • Nắn chỉnh tư thế nằm và đi lại

Phẫu thuật

Hầu hết những người bị viêm cột sống dính khớp đều không cần phẫu thuật nhưng bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật nếu bệnh nhân bị đau dữ dội hoặc nếu khớp háng bị hỏng nghiêm trọng đến mức phải thay thế.

Điều chỉnh thói quen sống

Điều chỉnh thói quen sống cũng là điều cần thiết để kiểm soát bệnh viêm cột sống dính khớp:

  • Tích cực vận động: Tập thể dục có thể giúp giảm đau, duy trì sự linh hoạt và điều chỉnh tư thế.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc có hại cho sức khỏe của tất cả mọi người nhưng ở những người bị viêm cột sống dính khớp, hút thuốc gây ra những vấn đề đặc biệt nghiêm trọng, chẳng hạn như khiến cho người bệnh hít thở khó khăn.
  • Tự nắn chỉnh tư thế: Tập đứng thẳng trước gương có thể giúp tránh bị gù, vẹo cột sống do viêm cột sống dính khớp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp vảy nến: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp vảy nến (Psoriatic arthritis - PsA) là một tình trạng kết hợp các triệu chứng sưng, đau khớp của bệnh viêm khớp với bệnh vảy nến. Bệnh vảy nến thường có các triệu chứng đặc trưng là các mảng đỏ, đóng vảy cứng, ngứa ở trên da và đầu.

Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp nhiễm khuẩn: triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp nhiễm khuẩn là một bệnh nhiễm trùng ở khớp, xảy ra khi tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn hoặc virus lây lan sang khớp hoặc chất dịch bao quanh khớp.

Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị
Viêm khớp phản ứng: Nguyên nhân và cách điều trị

Viêm khớp phản ứng là một loại viêm khớp do nhiễm trùng ở một cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây ra.

Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?
Viêm khớp tự phát thiếu niên là gì?

Viêm khớp tự phát thiếu niên, hay còn gọi là viêm khớp dạng thấp thiếu niên, là loại viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ em. Viêm khớp là một tình trạng với các triệu chứng đặc trưng là cứng, sưng và đau ở các khớp.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây