Thoát vị đĩa đệm
Đĩa đệm cột sống có phần nhân nhầy bên trong có kết cấu mềm như thạch và lớp vỏ cứng hơn bao bên ngoài gọi là bao xơ. Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi nhân nhầy của đĩa đệm chệch khỏi vị trí bình thường qua vết rách trên bao xơ.
Thoát vị đĩa đệm có thể xảy ra ở bất kỳ phần nào của cột sống nhưng thường là ở khu vực thắt lưng. Tùy thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị mà tình trạng này có thể gây ra nhiều triệu chứng khác nhau như đau, mất kiểm soát cơ thể, tê và yếu ở cánh tay hoặc chân.
Ở nhiều người, thoát vị đĩa đệm không có triệu chứng. Nếu có thì các triệu chứng thường tự cải thiện theo thời gian và đa phần không cần phải phẫu thuật để điều trị.
Triệu chứng thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở thắt lưng nhưng cũng có thể xảy ra ở cổ. Các dấu hiệu và triệu chứng phụ thuộc vào vị trí đĩa đệm bị thoát vị và đĩa đệm có chèn lên dây thần kinh hay không. Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm thường xảy ra ở một bên cơ thể.
- Đau cánh tay hoặc chân: Nếu thoát vị đĩa đệm xảy ra ở thắt lưng, bệnh nhân thường gặp triệu chứng là đau thắt lưng, mông, đùi và bắp chân. Ngoài ra còn có thể bị đau ở một phần bàn chân. Nếu thoát vị đĩa đệm xảy ra ở cổ, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhiều nhất ở vai và cánh tay. Cơn đau có thể lan sang cánh tay hoặc chân khi ho, hắt hơi, di chuyển hoặc thay đổi sang một số tư thế nhất định. Đa số bệnh nhân đều bị đau buốt.
- Tê hoặc châm chích: Những người bị thoát vị đĩa đệm thường bị tê hoặc có cảm giác châm chích ở phần cơ thể được chi phối bởi các dây thần kinh bị ảnh hưởng.
- Yếu cơ: Các cơ được chi phối bởi các dây thần kinh bị chèn ép thường trở nên yếu đi. Điều này có thể khiến bệnh nhân dễ té ngã, gặp khó khăn khi bê vác hay cầm nắm đồ vật.
Nhiều người bị thoát vị đĩa đệm mà không có triệu chứng và chỉ biết mình mắc bệnh khi đi chụp chiếu vì những lý do khác.
Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm thường là kết quả của sự thoái hóa đĩa đệm – tình trạng mà các đĩa đệm cột sống hao mòn dần do lão hóa. Khi có tuổi, các đĩa đệm trở nên kém linh hoạt và bao xơ dễ bị rách dù chỉ bị tác động nhẹ.
Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm đều không xác định được nguyên nhân chính xác. Đôi khi, việc sử dụng cơ lưng thay vì cơ chân và cơ đùi để nâng vật nặng hoặc xoay người đột ngột trong khi nâng có thể dẫn đến thoát vị đĩa đệm. Thoát vị đĩa đệm cũng có thể xảy ra do các chấn thương như ngã hoặc lưng bị va đập.
Các yếu tố nguy cơ gây thoát vị đĩa đệm
Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm gồm có:
- Khối lượng cơ thể: Thừa cân hay béo phì khiến cho các đĩa đệm ở thắt lưng phải chịu áp lực lớn và dễ bị thoát vị hơn.
- Nghề nghiệp: Những người làm công việc chân tay nặng có nguy cơ gặp phải các vấn đề về lưng cao hơn. Việc thường xuyên nâng, kéo, đẩy đồ, cúi người và vặn người cũng có thể làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
- Di truyền: Một số người bẩm sinh có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm cao hơn bình thường.
- Hút thuốc lá: Hút thuốc làm giảm lượng oxy đến đĩa đệm và khiến cho đĩa đệm nhanh bị thoái hóa hơn.
- Thường xuyên lái ô tô đường dài: Ngồi lâu kết hợp với sự rung lắc từ động cơ xe có thể gây áp lực lên cột sống.
- Ít vận động: Ngồi một chỗ quá nhiều sẽ làm tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm. Mặt khác, tập thể dục sẽ giúp làm giảm nguy cơ.
Biến chứng của thoát vị đĩa đệm
Tủy sống kết thúc ở ngay bên trên eo và từ đây, bên trong ống sống chỉ gồm có một nhóm rễ thần kinh dài gọi là chùm đuôi ngựa (cauda equina).
Đôi khi, đĩa đệm bị thoát vị chèn ép lên toàn bộ ống sống, bao gồm tất cả các dây thần kinh của chùm đuôi ngựa. Trong một số trường hợp, bệnh nhân phải làm phẫu thuật khẩn cấp để tránh bị yếu cơ hoặc liệt vĩnh viễn.
Đến bệnh viện ngay lập tức nếu như:
- Các triệu chứng thoát vị đĩa đệm ngày càng nặng: Triệu chứng đau, tê hoặc yếu cơ trở nên nghiêm trọng đến mức cản trở sinh hoạt hàng ngày.
- Rối loạn chức năng bàng quang hoặc ruột: Hội chứng chùm đuôi ngựa (cauda equina syndrome) có thể gây tiểu không tự chủ hoặc khó tiểu ngay cả khi bàng quang đầy.
- Hội chứng mất cảm giác yên ngựa: Tình trạng mất cảm giác xảy ra ở các khu vực có thể tiếp xúc với yên ngựa, gồm có đùi trong, mặt sau của chân và khu vực xung quanh trực tràng.
Phòng ngừa thoát vị đĩa đệm
Các cách để giảm nguy cơ thoát vị đĩa đệm:
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp tăng cường các cơ có vai trò ổn định và hỗ trợ cột sống.
- Giữ đúng tư thế: Điều này giúp làm giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Giữ lưng thẳng, đặc biệt là khi ngồi lâu. Nâng vật nặng đúng cách, dồn trọng lực vào chân chứ không phải lưng.
- Duy trì cân nặng hợp lý: Thừa cân gây áp lực lớn hơn lên cột sống và đĩa đệm, khiến cho đĩa đệm dễ bị thoát vị.
- Bỏ thuốc lá: Không sử dụng thuốc lá dạng hút hay bất kỳ sản phẩm thuốc lá nào.
Phương pháp chẩn đoán thoát vị đĩa đệm
Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra lưng của bệnh nhân xem có bị đau không. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm thẳng và di chuyển chân để xác định nguyên nhân gây đau.
Bác sĩ cũng sẽ tiến hành khám thần kinh để kiểm tra phản xạ, sức mạnh của cơ, khả năng đi lại và khả năng cảm nhận những tác động nhẹ, chẳng hạn như cú chạm nhẹ lên da, gẩy da bằng đầu kim hay rung.
Trong hầu hết các trường hợp, bác sĩ chỉ cần khám lâm sàng và khai thác bệnh sử là đủ để chẩn đoán thoát vị đĩa đệm. Nếu nghi ngờ không phải thoát vị đĩa đệm hoặc cần xác định dây thần kinh bị ảnh hưởng, bác sĩ sẽ đề nghị tiến hành thêm các phương pháp chẩn đoán sau đây.
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh
- Chụp X-quang: Chụp X-quang thường không phát hiện được thoát vị đĩa đệm nhưng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân khác gây đau lưng, chẳng hạn như nhiễm trùng, khối u, các vấn đề liên quan đến cột sống hoặc gãy xương.
- Chụp cắt lớp vi tính (CT): Sử dụng tia X chụp ảnh từ nhiều góc khác nhau và sau đó kết hợp lại để tạo ra hình ảnh mặt cắt ngang của cột sống và các cấu trúc xung quanh.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Sử dụng sóng vô tuyến và từ trường mạnh để tạo ra hình ảnh của các cấu trúc bên trong cơ thể. MRI được sử dụng để xác định vị trí đĩa đệm bị thoát vị và kiểm tra xem dây thần kinh nào bị ảnh hưởng.
- Chụp tủy sống: Thuốc cản quang được tiêm vào dịch tủy sống và chụp CT. Phương pháp này giúp kiểm tra áp lực lên tủy sống hoặc dây thần kinh do nhiều đĩa đệm bị thoát vị hoặc các bệnh lý khác.
Khám thần kinh
Phương pháp ghi điện cơ (electromyography - EMG) và đo tốc độ dẫn truyền thần kinh (nerve conduction studies) giúp kiểm tra tốc độ di chuyển của các xung điện dọc theo mô thần kinh. Điều này giúp xác định chính xác vị trí tổn thương dây thần kinh.
- Đo tốc độ dẫn truyền thần kinh: Phương pháp này đo các xung thần kinh điện cũng như là hoạt động trong các cơ và dây thần kinh thông qua các điện cực đặt trên da. Bác sĩ sẽ đo các xung điện trong tín hiệu thần kinh khi một dòng điện nhỏ đi qua dây thần kinh.
- Ghi điện cơ (EMG): Đưa một điện cực kim qua da vào các cơ khác nhau trong cơ thể. Phương pháp này đánh giá hoạt động điện của cơ khi co thắt và khi ở trạng thái nghỉ.
Điều trị thoát vị đĩa đệm
Ở hầu hết người bị thoát vị đĩa đệm, các phương pháp điều trị bảo tồn như điều chỉnh hoạt động, tránh những cử động gây đau và dùng thuốc giảm đau là đủ để làm giảm các triệu chứng. Các triệu chứng thường cải thiện sau vài ngày đến vài tuần.
Điều trị bằng thuốc
- Thuốc giảm đau không kê đơn: Nếu bị đau nhẹ đến vừa, người bệnh chỉ cần dùng các loại thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như acetaminophen, ibuprofen hay naproxen sodium.
- Thuốc điều trị đau thần kinh: Những loại thuốc này tác động đến các xung thần kinh để làm giảm cơn đau. Một số ví dụ gồm có gabapentin, pregabalin, duloxetine và venlafaxine.
- Thuốc giãn cơ: Bệnh nhân có thể sẽ được kê thuốc giãn cơ nếu bị co thắt cơ. Các loại thuốc này có thể gây ra các tác dụng phụ như buồn ngủ và chóng mặt.
- Thuốc giảm đau opiod: Do đi kèm nhiều tác dụng phụ và có thể gây nghiện nên các loại thuốc giảm đau nhóm opiod hiếm khi được sử dụng để điều trị thoát vị đĩa đệm. Nếu bệnh nhân đã dùng các loại thuốc giảm đau khác mà không hiệu quả thì bác sĩ mới cân nhắc việc sử dụng thuốc giảm đau opioid, chẳng hạn như codeine hoặc thuốc kết hợp oxycodone-acetaminophen nhưng chỉ sử dụng trong thời gian ngắn. Những tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng những loại thuốc này gồm có buồn ngủ, buồn nôn, không tỉnh táo và táo bón.
- Tiêm cortisone: Nếu đã dùng các loại thuốc đường uống mà vẫn không đỡ đau, bệnh nhân có thể sẽ phải tiêm corticoid vào khu vực xung quanh dây thần kinh cột sống. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh sẽ giúp hướng dẫn vị trí tiêm.
Vật lý trị liệu
Những người bị thoát vị đĩa đệm nên cân nhắc vật lý trị liệu để giảm đau. Bệnh nhân sẽ được hướng dẫn các tư thế và bài tập để làm giảm cơn đau do thoát vị đĩa đệm.
Phẫu thuật
Rất ít người bị thoát vị đĩa đệm cần phải phẫu thuật. Bác sĩ thường chỉ định phẫu thuật khi các phương pháp điều trị bảo tồn không có hiệu quả sau 6 tuần, đặc biệt là khi bệnh nhân tiếp tục có các triệu chứng sau đây:
- Đau dai dẳng
- Tê hoặc yếu cơ
- Gặp khó khăn khi đứng hoặc đi lại
- Tiểu hoặc đại tiện không kiểm soát
Đa phần bác sĩ chỉ cắt đi phần đĩa đệm bị lồi ra nhưng cũng có trường hợp phải cắt bỏ toàn bộ đĩa đệm. Những trường hợp như vậy có thể phải làm cứng cột sống bằng phương pháp ghép xương.
Quá trình hợp nhất các đốt sống phải mất nhiều tháng và có thể sẽ phải sử dụng các dụng cụ cấy ghép như nẹp vít để tạo sự ổn định cho cột sống. Đôi khi còn phải thay đĩa đệm nhân tạo.
Các phương pháp điều trị khác
Ngoài các loại thuốc giảm đau mà bác sĩ kê, bệnh nhân có thể thử các cách sau đây để làm giảm các triệu chứng thoát vị đĩa đệm:
- Chườm nóng hoặc lạnh: Ban đầu có thể dùng túi chườm lạnh để giảm đau và viêm. Sau một vài ngày thì chuyển sang chườm nóng để giúp cho khu vực bị đau nhẹ nhõm và dễ chịu hơn.
- Không nằm nhiều: Nằm quá lâu có thể dẫn đến cứng khớp và yếu cơ, điều này sẽ gây cản trở quá trình hồi phục. Thay vào đó, chỉ nên nghỉ ngơi ở tư thế thoải mái trong 30 phút, sau đó đứng lên đi lại hoặc làm một số công việc đơn giản. Tránh các hoạt động gây đau.
- Chú ý khi vận động: Tránh các hoạt động gây đau. Hãy cử động chậm rãi khi làm bất cứ việc gì, đặc biệt là khi cúi người về phía trước và nâng đồ vật.