1

Những điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) là một bệnh lý viêm mãn tính ảnh hưởng chủ yếu đến khớp nhưng ngoài ra còn có thể gây tổn thương đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể như da, mắt, phổi, tim và mạch máu.
Những điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp Những điều cần biết về bệnh viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn, xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công nhầm các mô khỏe mạnh của chính cơ thể.

Không giống như bệnh thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến niêm mạc khớp, gây sưng đau, cuối cùng có thể dẫn đến mòn xương và biến dạng khớp.

Phản ứng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấpcó thể gây tổn thương cả các bộ phận khác của cơ thể. Mặc dù hiện nay đã có nhiều loại thuốc mới giúp cho bệnh nhân có nhiều lựa chọn điều trị hơn nhưng bệnh viêm khớp dạng thấp nghiêm trọng vẫn có thể dẫn đến tàn tật.

Triệu chứng viêm khớp dạng thấp

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Sưng, đau, nóng tại các khớp
  • Cứng khớp, thường nặng nhất vào buổi sáng và sau một thời gian không vận động
  • Mệt mỏi, sốt, chán ăn và sụt cân

Ở giai đoạn đầu, viêm khớp dạng thấp thường xảy ra ở các khớp nhỏ, đặc biệt là các khớp nối ngón tay với bàn tay (khớp bàn ngón tay) và khớp nối ngón chân với bàn chân (khớp bàn ngón chân).

Khi bệnh tiến triển, các triệu chứng thường lan xuống cổ tay, đầu gối, mắt cá chân, khuỷu tay, hông và vai. Ở hầu hết những người mắc viêm khớp dạng thấp, các triệu chứng xảy ra ở các khớp đối xứng ở cả hai bên cơ thể.

Khoảng 40% người bị viêm khớp dạng thấp còn gặp triệu chứng ở các bộ phận khác ngoài khớp như:

  • Da
  • Mắt
  • Phổi
  • Tim
  • Thận
  • Tuyến nước bọt
  • Mô thần kinh
  • Tủy xương
  • Mạch máu

Các dấu hiệu và triệu chứng của viêm khớp dạng thấp có nhiều mức độ nặng nhẹ khác nhau và thường xảy ra theo đợt. Các giai đoạn mà triệu chứng bệnh xuất hiện hoặc tăng nặng được gọi là đợt viêm khớp dạng thấp cấp, xảy ra xen kẽ với các giai đoạn thuyên giảm – khi triệu chứng sưng đau khớp giảm nhẹ hoặc biến mất. Theo thời gian, viêm khớp dạng thấp có thể khiến các khớp bị biến dạng và lệch vị trí.

Nguyên nhân gây viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tự miễn. Bình thường, hệ miễn dịch bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và bệnh tật. Ở những người bị viêm khớp dạng thấp, hệ miễn dịch tấn công các mô khỏe mạnh của khớp và gây viêm. Hoạt động bất thường của hệ miễn dịch còn có thể gây ra các vấn đề ở tim, phổi, dây thần kinh, mắt và da.

Hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân tại sao hệ miễn dịch lại tấn công chính các mô trong cơ thể nhưng có ý kiến cho rằng điều này là do một số gen di truyền. Mặc dù các gen không trực tiếp gây ra bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng có thể khiến cho hệ miễn dịch phản ứng mạnh hơn với các yếu tố môi trường, chẳng hạn như nhiễm một số loại virus hay vi khuẩn và dẫn đến mắc bệnh.

Ai có nguy cơ viêm khớp dạng thấp?

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Giới tính: Phụ nữ có nguy cơ bị viêm khớp dạng thấp cao hơn nam giới.
  • Tuổi tác: Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng bệnh thường bắt đầu ở tuổi trung niên.
  • Tiền sử gia đình: Những người có người thân trong gia đình bị viêm khớp dạng thấp sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn bình thường.
  • Hút thuốc lá: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ viêm khớp dạng thấp, đặc biệt là khi có tiền sử gia đình mắc bệnh. Ở những người bị viêm khớp dạng thấp, hút thuốc sẽ làm tăng mức độ nghiêm trọng của bệnh.
  • Thừa cân: Những người thừa cân có nguy cơ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp cao hơn một chút so với người có cân nặng khỏe mạnh.

Biến chứng của viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ:

  • Loãng xương: Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp cũng như là một số loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ loãng xương - tình trạng mật độ xương giảm, khiến cho xương trở nên suy yếu và dễ gãy.
  • Nốt thấp khớp: Những cục sần cứng hình thành xung quanh các vị trí phải chịu áp lực, chẳng hạn như khuỷu tay nhưng nốt thấp khớp có thể hình thành ở bất kỳ vị trí nào trong cơ thể, bao gồm cả tim và phổi.
  • Khô mắt và miệng: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc hội chứng Sjogren - một chứng rối loạn khiến cho mắt và miệng bị khô.
  • Nhiễm trùng: Bản thân bệnh viêm khớp dạng thấp và nhiều loại thuốc được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp làm suy giảm chức năng miễn dịch và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm trùng. Do đó, người bị viêm khớp dạng thấp cần tiêm vắc xin đầy đủ để ngăn ngừa các bệnh nhiễm trùng như cúm, viêm phổi, zona thần kinh hay Covid-19.
  • Thành phần cơ thể bất thường: Những người bị viêm khớp dạng thấp thường có tỷ lệ mỡ cơ thể cao hơn bình thường, kể cả những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) khỏe mạnh.
  • Hội chứng ống cổ tay: Nếu viêm khớp dạng thấp ảnh hưởng đến cổ tay, tình trạng viêm có thể chèn ép các dây thần kinh ở bàn tay và ngón tay.
  • Vấn đề về tim mạch: Viêm khớp dạng thấp có thể làm tăng nguy cơ xơ cứng, tắc nghẽn động mạch và viêm màng ngoài tim.
  • Bệnh phổi: Những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ bị viêm và sẹo phổi cao hơn. Tình trạng này có thể dẫn đến khó thở nghiêm trọng.
  • Ung thư hạch: Viêm khớp dạng thấp làm tăng nguy cơ ung thư hạch - một nhóm ung thư máu xảy ra trong hệ bạch huyết.

Chẩn đoán viêm khớp dạng thấp

Ở giai đoạn đầu, viêm khớp dạng thấp thường khó chẩn đoán vì các dấu hiệu và triệu chứng ban đầu giống với triệu chứng của nhiều bệnh khác. Không có phương pháp xét nghiệm hay khám lâm sàng nào có thể xác nhận chẩn đoán.

Trong quá trình khám lâm sàng, bác sĩ sẽ kiểm tra các khớp xem có bị sưng, đỏ và nóng không. Sau đó bác sĩ sẽ kiểm tra phản xạ và sức mạnh của cơ.

Xét nghiệm máu

Những người bị viêm khớp dạng thấp thường có tốc độ lắng hồng cầu hay tốc độ máu lắng (erythrocyte sedimentation rate – ESR) và nồng độ protein phản ứng C (C-reactive protein - CRP) cao hơn bình thường. Đây là dấu hiệu của phản ứng viêm xảy ra trong cơ thể. Ngoài ra, xét nghiệm máu còn giúp phát hiện một số dấu hiệu khác như sự hiện diện của yếu tố dạng thấp (rheumatoid factor - RF) và kháng thể anti CCP (anti-cyclic citrullinated peptide antibody).

Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh

Bác sĩ có thể yêu cầu chụp X-quang các khớp để theo dõi sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp. Phương pháp chụp cộng hưởng từ (MRI) và siêu âm sẽ giúp đánh giá mức độ nghiêm trọng của bệnh trong cơ thể.

Điều trị viêm khớp dạng thấp

Hiện chưa có cách chữa khỏi bệnh viêm khớp dạng thấp nhưng các nghiên cứu lâm sàng đã chỉ ra rằng bắt đầu điều trị sớm bằng thuốc chống thấp khớp tác dụng chậm (disease-modifying antirheumatic drug - DMARD) sẽ giúp kéo dài giai đoạn thuyên giảm của bệnh và giảm tần suất xảy ra các đợt viêm khớp dạng thấp cấp.

Điều trị bằng thuốc

Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng và thời gian mà bệnh nhân đã mắc viêm khớp dạng thấp. Một số loại thuốc thường được sử dụng để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Thuốc chống viêm không steroid (NSAID): Nhóm thuốc này có tác dụng giảm đau và giảm viêm. Các loại NSAID không kê đơn gồm có ibuprofen và naproxen sodium. Nếu bị viêm đau nghiêm trọng thì bệnh nhân có thể sẽ phải dùng các loại NSAID mạnh hơn được bán theo đơn. Một số tác dụng phụ của NSAID là đau bụng, vấn đề về tim mạch và tổn thương thận.
  • Thuốc steroid: Các loại thuốc trong nhóm corticoid, chẳng hạn như prednisone, giúp giảm viêm, đau và làm chậm quá trình tổn thương khớp. Các tác dụng phụ gồm có loãng xương, tăng cân và tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Bác sĩ thường kê corticoid để giảm nhanh các triệu chứng và từ đó có thể giảm dần việc dùng thuốc.
  • DMARD thông thường: Những loại thuốc này có tác dụng làm chậm sự tiến triển của bệnh viêm khớp dạng thấp và ngăn tổn thương vĩnh viễn ở khớp và các mô khác. Một số DMARD được dùng phổ biến gồm có methotrexate, leflunomide, hydroxychloroquine và sulfasalazine. Tác dụng phụ của mỗi loại thuốc là khác nhau nhưng một số tác dụng phụ chung là tổn thương gan và nhiễm trùng phổi nặng.
  • Thuốc sinh học: Thuốc sinh học hay còn được gọi thuốc điều chỉnh đáp ứng sinh học (biological response modifier) là một loại DMARD mới, gồm có abatacept, adalimumab, anakinra, certolizumab, etanercept, golimumab, infliximab, rituximab, sarilumab và tocilizumab.

DMARD sinh học thường hiệu quả nhất khi kết hợp với DMARD thông thường, chẳng hạn như methotrexate. Tuy nhiên, DMARD sinh học làm tăng nguy cơ nhiễm trùng.

  • DMARD tổng hợp nhắm trúng đích: Các loại thuốc trong nhóm này như baricitinib, tofacitinib và upadacitinib có thể được sử dụng khi DMARD thông thường và DMARD sinh học không có hiệu quả. Tofacitinib liều cao có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong phổi, biến cố tim mạch nghiêm trọng và ung thư.

Trị liệu

Người mắc bệnh viêm khớp dạng thấp có thể thử vật lý trị liệu hoặc trị liệu nghề nghiệp để học các bài tập giúp cải thiện và duy trì sự linh hoạt của các khớp. Trong quá trình trị liệu, người bệnh còn được hướng dẫn cách thực hiện các công việc hàng ngày sao cho không ảnh hưởng nhiều đến các khớp, ví dụ như nhặt đồ vật bằng cẳng tay.

Ngoài ra còn có các thiết bị trợ giúp để giảm áp lực lên các khớp bị viêm trong sinh hoạt hàng ngày, chẳng hạn như dụng cụ làm bếp có chuôi cầm lớn để giảm đau cho các khớp ngón tay và cổ tay, dụng cụ giúp cài cúc áo hay giá để sách để người bệnh không phải cầm lâu.

Phẫu thuật

Nếu các loại thuốc không thể ngăn ngừa hay làm chậm quá trình tổn thương khớp thì người bệnh có thể sẽ phải phẫu thuật để phục hồi các khớp bị tổn thương. Phẫu thuật sẽ giúp khôi phục khả năng chuyển động của khớp, ngoài ra còn giúp giảm đau và cải thiện vận động.

Các phương pháp phẫu thuật để điều trị viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Cắt màng hoạt dịch: Loại bỏ đi lớp niêm mạc bị viêm của khớp để giảm đau và cải thiện sự linh hoạt của khớp.
  • Sửa gân quanh khớp: Tình trạng viêm và tổn thương khớp có thể khiến các gân xung quanh khớp bị chùng hoặc bị đứt. Những trường hợp này sẽ phải phẫu thuật sửa lại các gân.
  • Làm cứng khớp: Khớp bị viêm được cố định vĩnh viễn. Phương pháp này được thực hiện nhằm ổn định hoặc sắp xếp lại khớp và để giảm đau trong những trường hợp không thể thay khớp.
  • Thay khớp: Trong quá trình phẫu thuật thay khớp, bác sĩ loại bỏ các phần bị hỏng của khớp và lắp khớp nhân tạo làm bằng kim loại hoặc nhựa.

Thay đổi thói quen sống và các phương pháp điều trị khác

Ngoài các phương pháp điều trị kể trên, người bệnh cũng nên thực hiện một số thay đổi trong thói quen sống hàng ngày để làm giảm các triệu chứng viêm khớp dạng thấp và cải thiện khả năng chuyển động của khớp. Khi kết hợp cùng với thuốc, các cách dưới đây có thể giúp kiểm soát các triệu chứng viêm khớp dạng thấp:

  • Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp tăng cường các cơ xung quanh khớp và giúp người bệnh đỡ mệt mỏi. Tuy nhiên, nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu tập thể dục. Thời gian đầu chỉ nên vận động nhẹ nhàng, chẳng hạn như đi dạo. Tránh các bài tập gây tác động mạnh lên các khớp bị đau.
  • Chườm nóng hoặc lạnh: Chườm nóng giúp giảm đau và làm giãn các cơ bị căng. Chườm lạnh giúp làm giảm cảm giác đau và giảm sưng tấy.
  • Thư giãn: Căng thẳng có thể gây tăng đau. Người bệnh nên thử các biện pháp thư giãn như hít thở sâu và tập các bài tập giãn cơ. Những biện pháp này còn giúp giảm đau.

Các phương pháp điều trị thay thế

Một số phương pháp điều trị bổ sung và thay thế đã cho thấy nhiều hứa hẹn trong điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp gồm có:

  • Dầu cá: Một số nghiên cứu sơ bộ đã phát hiện ra rằng uống dầu cá có thể giúp giảm đau và cứng khớp do viêm khớp dạng thấp. Dầu cá có thể gây các tác dụng phụ như buồn nôn, ợ hơi và miệng có vị tanh. Ngoài ra, dầu cá còn có thể ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc nên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Dầu thực vật: Dầu hoa anh thảo (evening primrose), dầu cây lưu ly (borage) và dầu lý chua đen (black currant) có chứa một loại axit béo có tác dụng giảm đau và cứng khớp vào buổi sáng do viêm khớp dạng thấp. Các tác dụng phụ gồm có nhức đầu, tiêu chảy và đầy hơi. Một số loại dầu thực vật còn có thể gây tổn thương gan hoặc cản trở tác dụng của thuốc nên cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng.
  • Thái cực quyền: Bộ môn võ thuật này gồm có các động tác nhẹ nhàng, kéo giãn cơ kết hợp với hít thở sâu. Thái cực quyền được nhiều người thực hiện để giải tỏa căng thẳng trong cuộc sống. Các nghiên cứu nhỏ đã phát hiện ra rằng thái cực quyền có thể cải thiện tâm trạng và chất lượng cuộc sống ở những người bị viêm khớp dạng thấp. Tuy nhiên, cần tránh các động tác gây đau khớp.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?
Bệnh viêm khớp dạng thấp có di truyền không?

Viêm khớp dạng thấp không được coi là một bệnh di truyền. Tuy nhiên, việc mang một số gen nhất định có thể làm tăng nguy cơ mắc căn bệnh này.

Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị
Viêm khớp dạng thấp ở cổ: Triệu chứng và cách điều trị

Viêm khớp dạng thấp có thể xảy ra ở đốt sống thứ nhất và thứ hai ở cổ. Tình trạng này gây đau, cứng khớp và mất vững cột sống.

Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường và loãng xương
Những điều bạn cần biết về bệnh tiểu đường và loãng xương

Bệnh tiểu đường và loãng xương có thể xảy ra đồng thời và có ảnh hưởng lẫn nhau. Bệnh tiểu đường có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương và chứng loãng xương có thể gây khó khăn cho việc kiểm soát bệnh tiểu đường.

Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp
Các tư thế ngủ phù hợp với người bị viêm khớp dạng thấp

Viêm khớp dạng thấp khiến cho các khớp bị đau và cứng. Tình trạng này sẽ khiến cho người bệnh khó ngủ và ngủ không ngon giấc. Nếu bạn bị viêm khớp dạng thấp, điều chỉnh tư thế ngủ có thể giúp bạn đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn và ngủ ngon giấc hơn, nhờ đó tăng mức năng lượng cơ thể và cải thiện các triệu chứng khác của bệnh.

Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?
Viêm khớp dạng thấp được chẩn đoán bằng cách nào?

Quá trình chẩn đoán viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis) thường mất nhiều thời gian. Ở giai đoạn đầu, các triệu chứng viêm khớp dạng thấp thường giống như triệu chứng của các bệnh khác như bệnh lupus hoặc các bệnh mô liên kết khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây